Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Gỡ rối” phải bảo đảm an toàn pháp lý

Minh Châu| 12/01/2010 06:34

(HNM) - Công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) là hai lĩnh vực có nhiều tổ chức và công dân tham gia giao dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện 2 vấn đề này hiện đang bộc lộ không ít bất cập, gây khó khăn cho cả người đi làm thủ tục và người thực hiện thủ tục.


Tại buổi tọa đàm "Đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực công chứng và ĐKGDBĐ" vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm đơn giản thủ tục mới giúp các hoạt động này được thông suốt.

Nhiều bất cập

Làm thủ tục cho người dân tại Văn phòng công chứng Hồ Gươm.


Từ thực tiễn công chứng các giao dịch cho vay tại ngân hàng, đại diện Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Á châu (ACB) chung nhận định: công chứng, ĐKGDBĐ hiện gây khá nhiều rắc rối cho hoạt động của các ngân hàng. Không ít công chứng viên đã từ chối công chứng hợp đồng bảo đảm (HĐBĐ) nếu hợp đồng không ghi giá trị của tài sản bảo đảm (TSBĐ), dù cơ quan nhà nước không can thiệp vào việc định giá TSBĐ và pháp luật cũng không quy định phải ghi rõ giá trị TSBĐ vào HĐBĐ. Bên cạnh đó, việc định giá TSBĐ được tiến hành định kỳ (6 tháng hoặc 1 năm) và giá trị này có thể thay đổi theo tình hình thị trường. Điều này dẫn đến phát sinh việc ngân hàng phải công chứng lại HĐBĐ vì giá trị TSBĐ thay đổi và các công chứng viên coi đây là sự thay đổi trong hợp đồng. Như vậy, nếu với 1 khoản vay 5 năm thì TSBĐ được định giá lại trên dưới 10 lần, đồng nghĩa với việc HĐBĐ đó phải công chứng lại trên dưới 10 lần. Đại diện Ngân hàng Quốc tế (VIB) đưa ra cụ thể các quy định đang gây vướng mắc. Cụ thể, trước thời điểm ra đời Nghị định 79/2007/NĐ-CP, ngân hàng và khách hàng đã thực hiện chứng thực một số HĐBĐ (thế chấp vay vốn dài hạn) tại phòng công chứng cấp huyện nhưng khi phát sinh phụ lục hợp đồng thì lại bị từ chối chứng thực; bởi lẽ theo Nghị định 79 thì phòng công chứng cấp huyện không có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch, còn các tổ chức hành nghề công chứng cũng từ chối công chứng bổ sung do không có hồ sơ gốc.

Những rắc rối về vấn đề này không chỉ gây phiền hà cho ngân hàng, người dân mà còn làm chính những tổ chức hành nghề công chứng "khó xử". Văn phòng công chứng Hồ Gươm cho biết, quy định ngoài chứng minh thư và thẻ quân nhân, các loại giấy tờ khác có dán ảnh như giấy phép lái xe, thẻ Đảng, thẻ sinh viên hay giấy xác nhận có dán ảnh đóng dấu giáp lai của công an địa phương... đều không được chấp nhận để thực hiện công chứng đã ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân. Văn phòng này cho rằng, để tăng cường khả năng phục vụ nhu cầu giao dịch của người dân thì cần mở rộng quy định về giấy tờ tùy thân có thể xuất trình khi làm thủ tục công chứng. Đồng thời, chỉ nên quy định chủ thể (nhất là những người già yếu, bị bệnh…) tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký vào các trang nội dung, còn được "bỏ qua" trang bìa (nếu có) và trang lời chứng để nhanh chóng hơn thủ tục công chứng. Tuy nhiên, theo ông Chu Văn Khanh (Văn phòng CC A1): Cải cách TTHC trong lĩnh vực công chứng không có nghĩa là "đơn giản" thủ tục bởi sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh tranh chấp sau này. Còn ông Vũ Đức Long (Cục trưởng Cục ĐKGDBĐ - Bộ Tư pháp) khẳng định, các giấy tờ khác không thể bảo đảm độ tin cậy nên nếu thành lập trung tâm ĐKGDBĐ trực tuyến thì sẽ chỉ sử dụng chứng minh thư.

Đơn giản cách nào?

Cho đến nay, lĩnh vực ĐKGDBĐ có số lượng đăng ký ngày càng tăng, tuy nhiên văn bản pháp lý có giá trị cao nhất điều chỉnh chung về lĩnh vực này là Nghị định 08/2000/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều điểm bất cập. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực này, cần sớm ban hành Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm và Luật Đăng ký bất động sản để khắc phục bất cập về pháp luật, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ giữa các văn bản có liên quan, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hệ thống đăng ký trực tuyến, giảm bớt chi phí đi lại của người dân. Đối với lĩnh vực công chứng, đại diện của một số văn phòng công chứng mong muốn sớm có những văn bản hướng dẫn linh hoạt, cụ thể đối với những loại giấy tờ có thể thay thế giấy tờ tùy thân.

Chia sẻ với sự bức xúc của các bên, nhưng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng, để bảo đảm an toàn pháp lý cho cả tổ chức tín dụng, tổ chức công chứng và người dân, cũng như để các hoạt động này được tiến hành đúng pháp luật thì vẫn phải thực hiện những quy định đó. Hơn nữa, những khúc mắc của các tổ chức tín dụng về hoạt động công chứng và ĐKGDBĐ chủ yếu liên quan đến việc áp dụng pháp luật, chứ không hoàn toàn xuất phát từ quy định pháp luật. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ đưa vấn đề liên quan đến những hồ sơ do phòng tư pháp chứng thực trước khi có Nghị định 79/2007/NĐ-CP hiện đang còn hiệu lực thực hiện vào điều chỉnh trong thông tư hướng dẫn hoạt động công chứng để giải quyết những khó khăn mà các tổ chức tín dụng đang gặp phải. Đồng thời, nhấn mạnh: việc đơn giản hóa TTHC đối với hai lĩnh vực này phải xét trên nhiều góc độ, đó là người đi làm thủ tục, người thực hiện thủ tục và góc độ quản lý nhà nước.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Gỡ rối” phải bảo đảm an toàn pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.