(HNM) - Một số dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đang bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó giải phóng mặt bằng chậm luôn là rào cản lớn nhất. Để tháo gỡ vướng mắc này, thành phố Hà Nội đã yêu cầu đề cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, đồng thời áp dụng một số chính sách theo hướng thông thoáng hơn.
Dự án chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến hết tháng 8-2020, các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố đã giải ngân được 34% kế hoạch vốn. Trưởng phòng Quản lý đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Lương Hoài Nam cho biết, giải phóng mặt bằng là việc rất phức tạp, cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án. Hiện có 18/33 dự án trọng điểm trong năm 2020 bị chậm tiến độ, trong đó phần lớn liên quan đến việc chậm giải phóng mặt bằng.
Trên thực tế, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thường do người dân chưa đồng thuận phương án đền bù, khó xác định nguồn gốc đất, thủ tục giải phóng mặt bằng qua nhiều khâu... Điển hình là Dự án đầu tư, tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích đoạn qua địa bàn huyện Ba Vì liên quan đến 7.050 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở 9 xã, với tổng diện tích đất thu hồi là 287,18ha. Đến cuối năm 2019, huyện Ba Vì đã bàn giao 240,21ha cho chủ đầu tư. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Phùng Hữu Lộc, phần còn lại thuộc địa bàn 4 xã Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Cam Thượng, Tiên Phong gặp khó khăn do nhiều hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Một số hộ tự chuyển nhượng đất, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Tương tự, khu depot (nơi quản lý, dừng đỗ và bảo dưỡng sửa chữa toa tàu) và ga ngầm C6 thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội cũng đang được UBND quận Bắc Từ Liêm và Tây Hồ thực hiện giải phóng mặt bằng, song tiến độ rất chậm. Vướng mắc chủ yếu do nhiều hộ dân không hợp tác để đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản. Còn Dự án xây dựng cầu Chiếc ở xã Hiền Giang (huyện Thường Tín), được khởi công năm 2017, kế hoạch hoàn thành năm 2019, nhưng đến nay phần đường dẫn đầu cầu chưa hoàn thiện do địa phương chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng phần diện tích của 6 hộ gia đình. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú lý giải, huyện phải nhiều lần điều chỉnh vị trí tái định cư của 6 hộ dân cho phù hợp quy hoạch, sau đó trình thành phố chấp thuận nên ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng.
Vướng mắc về thủ tục cũng khiến công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3.5 qua huyện Hoài Đức bị chậm. Theo UBND huyện Hoài Đức, tại xã Di Trạch trên địa bàn huyện còn 151m2 nằm trên phần đất của một đơn vị quân đội, do đó huyện phải báo cáo thành phố và cơ quan thẩm quyền thực hiện các thủ tục theo quy định liên quan đến đất quốc phòng.
Chủ động các giải pháp phù hợp
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020, thành phố Hà Nội đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tháo gỡ kịp thời khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trước đó, thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực này cho các chủ đầu tư, với yêu cầu rõ tiến độ giải quyết từng dự án.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn huyện tháo gỡ, giải quyết tồn tại liên quan đến xác minh nguồn gốc đất với từng dự án cụ thể. Tương tự, UBND quận Bắc Từ Liêm và Tây Hồ đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng cường đối thoại với các hộ dân trong dự án khu depot và ga C6, đồng thời trình phê duyệt điều chỉnh giá đất để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn, nếu chủ đầu tư và chính quyền địa phương chủ động phối hợp giải quyết thì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng sẽ được hóa giải. Cùng với đó, mặt bằng nhận tới đâu, nhà thầu phải thi công ngay tới đó. Còn Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm Phùng Ngọc Sơn chia sẻ, quận đã thành lập tổ công tác chuyên trách để xử lý các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng. Hằng tuần, lãnh đạo quận và các đơn vị liên quan giao ban tìm giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ các dự án.
Về khâu giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư, Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Nguyễn Quốc Chương đánh giá, nếu giải phóng mặt bằng được cải thiện, chắc chắn tiến độ dự án được đẩy nhanh, kết quả giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ chuyển biến tích cực.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, qua làm việc với 30 quận, huyện, thị xã, Sở đã ghi nhận 111 tồn tại, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công đang triển khai. Trong đó, 91 vướng mắc đã được các sở, ngành và thành phố hướng dẫn tháo gỡ ngay tại các cuộc họp. 20 vướng mắc được tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét giải quyết.
Nguyên nhân nổi lên là một số địa phương chưa chuẩn bị kỹ điều kiện triển khai giải phóng mặt bằng, cán bộ chưa chuyên nghiệp; nhiều quy định thường xuyên thay đổi; quỹ nhà, đất tái định cư chưa bố trí kịp thời; quá trình quản lý đất đai buông lỏng, dẫn đến vi phạm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.