(HNM) - Trong tháng 10 và 11, Bộ GD-ĐT tổ chức kiểm tra công tác thu-chi đầu năm trực tiếp tại các nhà trường để sớm chấm dứt những sai phạm dẫn đến tình trạng lạm thu.
Ngày 18-10, trong văn bản gửi các Sở GD-ĐT, hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển một lần nữa khẳng định nghiêm cấm các địa phương lạm thu dưới bất kỳ hình thức nào. Liệu những biện pháp hành chính có đem lại hiệu quả như mong muốn?
Hiệu trưởng giải bài toán thu - chi
Quản lý thu - chi thế nào để duy trì hiệu quả các hoạt động giáo dục, động viên được anh chị em cống hiến và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của tất cả phụ huynh HS là điều mà gần 100 cán bộ quản lý là trưởng, phó các phòng GD-ĐT đều trăn trở tại buổi sinh hoạt đầu tiên của câu lạc bộ cán bộ quản lý tổ chức vào cuối tuần qua. Khi mà mâu thuẫn giữa thực lực với đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ chưa được giải quyết, lại chưa thể làm cho mỗi phụ huynh HS hiểu cặn kẽ về những công việc của ngành, thì lạm thu vẫn là đề tài gây bức xúc. Câu chuyện về việc phải tháo gỡ nút thắt là sự minh bạch một lần nữa được xới lên khi bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Sở đề cập đến giải pháp: ở bất kỳ đề mục thu - chi nào cũng phải rành rẽ và dễ hiểu nhất để huy động nguồn lực đầu tư cho nhà trường.
Sử dụng đúng mục đích các khoản thu - chi sẽ giúp nhà trường huy động các nguồn lực đầu tư dễ dàng hơn. Ảnh: Linh Tâm |
Bà Nguyễn Thị Hiền tính toán, với hơn 800 HS, mỗi năm trường được cấp 1,2 tỷ đồng, song 87% tổng số tiền đó được dùng để chi lương và tiết kiệm 10% chi lương. Như vậy, kinh phí chi hoạt động thường xuyên còn lại là 126 triệu đồng, trung bình mỗi tháng nhà trường có 10,5 triệu đồng để duy trì các hoạt động. Tính cả các khoản thu theo quy định như hỗ trợ giáo dục (7,2 triệu đồng) và học 2 buổi/ngày (6,2 triệu đồng) thì tổng số tiền trong một tháng nhà trường có được là gần 24 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà trường còn phải chịu hàng loạt các khoản chi phí như nước sinh hoạt, lương lao công, y tế, hỗ trợ lương bảo vệ (cho những người có hợp đồng), lương bảo vệ (cho những người không có hợp đồng), bảo trì máy vi tính… và tổng chi trong một tháng của trường 32,7 triệu đồng. Để bù vào phần thiếu hụt này, như nhiều đơn vị khác, nhà trường huy động sự hỗ trợ của cha mẹ HS, song với cách là xây dựng dự toán kinh phí thực chi theo công việc cần làm, trong đó đặc biệt chú trọng nhu cầu phục vụ cho HS. Chủ trương này được thống nhất trong ban giám hiệu, chi bộ, hội đồng sư phạm, ban chấp hành hội cha mẹ HS… Mỗi phụ huynh HS trong trường đều có một bản dự toán chi cụ thể để họ có thể tìm hiểu cặn kẽ. Các chi bộ trong khu dân cư cũng được vận động vào cuộc để tuyên truyền, những gia đình khó khăn được miễn, giảm một số khoản… Cách làm này đã nhận được sự đồng thuận của các lực lượng trong và ngoài nhà trường.
Quy trình 4 bước: Minh bạch các khoản thu?
Theo ông Đàm Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, vấn đề quan trọng nhất là chỉ ra cho các trường biết được phép thu thỏa thuận những khoản nào. Ngoài "tiền ăn, học phẩm, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống, vệ sinh, an ninh…" như văn bản số 6585/SGD&ĐT của Sở GD-ĐT quy định thì còn cần thêm những khoản gì để các trường có thể bảo đảm được yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong giai đoạn hiện nay, tránh tình trạng các trường tự đặt ra quá nhiều khoản thu, rất dễ dẫn đến lạm dụng để có hành vi tiêu cực. Theo ông, làm rõ nội dung ấy và áp dụng thống nhất ở các trường trên toàn TP sẽ tạo được sự tin tưởng, ủng hộ trong dư luận.
Còn ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai thì cho rằng nên làm rõ khái niệm đâu là khoản thu thỏa thuận, đâu là khoản thu xã hội hóa (XHH) để tránh gây hiểu lầm, bức xúc. Theo ông, các nhà trường phải tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ rằng kinh phí từ các khoản thu thỏa thuận là nhằm trang bị những điều kiện cần thiết cho việc học tập, sinh hoạt của HS và mức thu của từng khoản tùy thuộc vào khả năng, điều kiện thực tế của nhà trường, gia đình. Còn khoản thu XHH nhằm phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho các hoạt động dạy - học, song không quy định mức thu cụ thể và phải được cấp có thẩm quyền cho phép.
Đề xuất ấy không phải là không có cơ sở khi mà kết quả kiểm tra về tình hình thu - chi của Sở GD-ĐT tại 12 quận, huyện cho thấy, không ít trường đã thu gộp cả hai khoản này dưới một cái "mũ" chung là thỏa thuận. Lãnh đạo Sở GD-ĐT dẫn chứng, khoản thu thỏa thuận hiện nay là muôn hình vạn trạng, nơi có 8-9 mục, nơi lên tới 17 mục; thậm chí có nơi huy động phụ huynh ủng hộ 300 nghìn đồng/HS để lắp điều hòa, song văn bản lại chia làm hai cột, một cột ghi "thu của HS 150 nghìn đồng", cột tiếp theo ghi "mượn tạm của HS 150 nghìn đồng".
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì các trường có thể huy động nguồn hỗ trợ của phụ huynh HS để mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập, sinh hoạt. Song, ông cũng khẳng định, bất kỳ hình thức ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp trong việc thực hiện các khoản thu thỏa thuận là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới ngành. Vì thế, quy trình 4 bước để thực hiện thỏa thuận và bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, đúng mục đích, dân chủ, công khai và minh bạch là yêu cầu mà Bộ GD-ĐT buộc các đơn vị phải tuân thủ. Nếu vi phạm, thủ trưởng và các cá nhân liên quan của đơn vị sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo đúng quy định.
Động thái ấy cho thấy sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các khoản thu - chi trong nhà trường. Nhưng quan trọng hơn cả là sự minh bạch trong việc định ra các khoản thu xuất phát từ cái tâm trong sáng của những người quản lý cơ sở giáo dục, điều mà những giải pháp mang tính hành chính khó có thể điều chỉnh.
Quy trình 4 bước: + Thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai trong ban giám hiệu, hội đồng nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.