(HNM) - Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020 được kỳ vọng tạo động lực góp phần đưa Việt Nam phát triển dù vẫn còn nhiều thách thức trên con đường phía trước.
Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Bộ KH&CN triển khai trên toàn quốc, trong bối cảnh Trung ương vừa ra Nghị quyết số 20/NQ-TƯ về "Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Điều này được hy vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của các nhà khoa học.
Những chính sách mới sẽ tạo thêm động lực cho các nhà khoa học cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước. Ảnh: Tuấn Thành |
Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 nêu mục tiêu tổng quát để hình dung rõ hơn về nền KH&CN nước ta trong tương lai. Điều này khuyến khích cộng đồng khoa học và cả xã hội tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển KH&CN. Mục tiêu trong chiến lược bao gồm nhiều chỉ tiêu cụ thể và được phân chia thành các giai đoạn phát triển (2011 - 2015 và 2016 - 2020), giúp định hướng rõ hơn mục tiêu phát triển, thuận lợi cho việc kiểm điểm, đánh giá và điều chỉnh chiến lược. Đây cũng chính là kinh nghiệm đúc rút từ thực tế thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2001- 2010.
Trong bản chiến lược này, các vấn đề liên quan đến đổi mới tổ chức hoạt động và quản lý KH&CN được đưa thành một nhiệm vụ chính trong định hướng phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020. Thay đổi này thể hiện sự đánh giá đúng hơn về vai trò quan trọng của cơ chế quản lý và quyết tâm tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý KH&CN, giải phóng năng lực sáng tạo trong hoạt động KH&CN.
Gỡ nút thắt cơ chế
Bộ KH&CN đã đưa ra những yếu tố cơ bản cần có nhằm bảo đảm sự thành công của chiến lược. Thứ nhất, là nhận thức và sự quan tâm của người lãnh đạo, từ trung ương tới cơ sở, "nếu không có điều đó thì chiến lược chỉ để nói cho hay" Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết. Thứ hai, là nguồn lực đầu tư cho KH&CN và sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp.
Liên quan đến mục tiêu về nguồn lực đầu tư, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN đang là "nút thắt" khó gỡ nhất. Mặc dù cơ chế này đã trải qua nhiều giai đoạn nhưng đến nay vẫn chưa có được sự đổi mới cơ bản, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý kinh tế, vẫn còn nặng về hành chính và chưa phù hợp với những đặc thù của hoạt động sáng tạo KH&CN. Chính vì vậy, Chiến lược KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra nhiệm vụ trọng yếu là tập trung đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, đặc biệt là cơ chế đầu tư, sử dụng tài chính và chính sách cán bộ KH&CN. Chẳng hạn, về cơ chế đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng mức 2% chi ngân sách cho KH&CN vẫn còn thấp so với yêu cầu và so với các nước trong khu vực. Trên thực tế, mức chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trên cán bộ nghiên cứu ở nước ta còn rất khiêm tốn so với các nước, chỉ bằng 1/50, thậm chí 1/100 so với một số nước trong khu vực. Trong số 2% ngân sách cho KH&CN, số tiền dành cho R&D chỉ chiếm 1/10; chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chiếm 90% còn lại. "Tuy thế, hiện Bộ KH&CN cũng không được quản lý 90% đó, dù đó là trách nhiệm mà luật pháp đã giao", Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thêm.
Những khó khăn về tài chính nói trên có thể giảm phần nào, bởi nội dung chiến lược cho thấy nỗ lực hướng tới mục tiêu đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư và chính sách khoa học. Đơn cử như quy định "áp dụng rộng rãi cơ chế quỹ trong KH&CN để tài trợ các dự án KH&CN". Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, đây là điểm mới đáng kể, một cơ chế tích cực dù nó đã được thực hiện từ lâu ở hầu hết các nước phát triển và thực tế kiểm nghiệm cho thấy hiệu quả.
Doanh nghiệp ở vị trí trung tâm
Điểm đáng chú ý là Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, là người đặt hàng và chủ đầu tư để đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ. Trong chiến lược có nêu giải pháp cho vấn đề trên: "Áp dụng một số cơ chế, chính sách đột phá nhằm thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ"; "Kiến nghị sửa đổi quy định về việc doanh nghiệp có thể trích trên 10% thu nhập tính thuế hằng năm đầu tư cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ". Theo các chuyên gia, đó là giải pháp quyết liệt và cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh Trung ương vừa ra Nghị quyết số 20/NQ-TƯ, thể hiện quyết tâm có chế tài buộc doanh nghiệp nhà nước trích tỷ lệ doanh thu nhất định để đầu tư cho KH&CN, song song với việc khuyến khích doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác tăng cường đầu tư cho phần việc này. Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, "Chỉ cần 101 tổng công ty nhà nước trích 5-10% lợi nhuận trước thuế thì ta đã có nguồn lực lớn gấp 2 lần vốn ngân sách nhà nước cấp cho KH&CN. Các doanh nghiệp đều quan tâm thì không lo thiếu tiền".
Để trợ giúp doanh nghiệp, các nhà quản lý cho rằng cần triển khai mạnh mẽ cơ chế hỗ trợ của Nhà nước trong hợp tác công - tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp thấy lợi ích thiết thực trong việc đầu tư đổi mới công nghệ. Mặt khác, Nhà nước cần sẵn sàng chia sẻ rủi ro trong nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ tài sản trí tuệ được tạo ra trong quá trình nghiên cứu đổi mới công nghệ. Đề cập tới vấn đề này, ông Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN cho rằng: Với việc Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện các chương trình quốc gia về KH&CN giai đoạn 2011-2020 như Chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia, Chương trình phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ, Chương trình phát triển trung tâm công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia... trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực KH&CN cũng như được vay vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.