Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

An Tôn| 17/03/2021 07:18

(HNM) - Theo Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt, tại một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu hồi rộng hơn diện tích dự án để tạo quỹ đất tái định cư tại chỗ và đấu giá phần đất dôi dư lấy kinh phí làm hạ tầng... Quy định mới này được đánh giá sẽ gỡ những nút thắt trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố.

Giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương tại quận 10 (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Triều

Chính sách bám sát thực tiễn

Thực tế thời gian qua cho thấy, các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng làm dự án hạ tầng chủ yếu do người dân không đồng thuận giá đền bù vì thấp hơn giá thị trường; không đồng thuận phương án tái định cư vì địa điểm bất tiện… Trong khi đó, tại những nơi giải tỏa được, lại xuất hiện những công trình siêu mỏng, siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị.

Để giải quyết những vấn đề này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 17-2-2021, phê duyệt Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố sẽ thu hồi đất rộng hơn diện tích dự án và thực hiện tái định cư tại chỗ cho tất cả người bị thu hồi đất. Đặc biệt, người dân trong vùng dự án được tổ chức lấy ý kiến. Nếu 2/3 ý kiến đồng thuận thì phương án giải tỏa, đền bù được thông qua. Giá đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng áp dụng mức giá thị trường vào thời điểm dự án được phê duyệt...

Về những chính sách bám sát thực tiễn này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trên cơ sở thu hồi đất đối với dự án làm đường giao thông, thành phố sẽ quy hoạch lại hai bên đường để bố trí diện tích đất tái định cư, đất xây dựng công trình công cộng, chỉnh trang đô thị. Phần đất dôi dư được bán đấu giá để tạo nguồn thu, đầu tư công trình mới. “Về bản chất, đây không phải là thu hồi đất để bán đấu giá, mà là phân bổ lại đất đai cho người sử dụng trong khu vực dự án”, ông Nguyễn Toàn Thắng phân tích.

Chia sẻ về những chính sách mới này, ông Dương Khắc Chính, ở đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, bày tỏ: “Giá đất đền bù nhà mặt tiền khu dự án Ga Hòa Hưng (tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương) hiện khoảng 200 triệu đồng/m2, gần sát với giá thị trường, nên người dân đồng thuận ngay. Sau khi giải tỏa, diện mạo đô thị khu vực sẽ được chỉnh trang đồng bộ, sạch đẹp...”.

Diện mạo đô thị sẽ khang trang hơn

Chính sách mới về quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt lâu nay trong công tác giải phóng mặt bằng. Ở góc độ cơ sở, ông Mai Văn Thuận, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình cho rằng: "Thực tế thời gian qua cho thấy, sau khi giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng trên địa bàn quận sẽ xuất hiện những công trình siêu mỏng, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Bởi vậy, Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố được thực thi, những vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để".

Còn tại quận 10 - nơi đang triển khai giải tỏa mặt bằng cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, ông Đặng Hoàng Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận chia sẻ: "Với những thửa đất nhỏ dưới 15m2 trước đây không được cấp phép xây dựng, nằm ở vị trí không thể xây hợp khối với nhà bên cạnh, nay có thể được thu gom thành diện tích đất lớn hơn phục vụ xây dựng công trình công cộng hoặc bán đấu giá. Diện mạo đô thị vì thế cũng khang trang hơn".

Trong bối cảnh cần phát huy tối đa nguồn lực đất đai, thành phố Hồ Chí Minh đang kỳ vọng chính sách mới này sẽ góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, đặc biệt là gỡ các nút thắt, thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng trên địa bàn. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết: Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố khi được thực thi hiệu quả sẽ giúp các bên đều có lợi. Người dân trong diện giải phóng mặt bằng được tái định cư tại chỗ, được hưởng lợi từ việc Nhà nước đầu tư nâng cấp hạ tầng. Thành phố có cơ hội quy hoạch, chỉnh trang diện mạo đô thị xung quanh dự án khang trang, hiện đại hơn. Thêm vào đó, Nhà nước có nguồn thu từ đấu giá đất dôi dư sau tái sắp xếp, phục vụ đầu tư phát triển. Đặc biệt, quá trình triển khai các cơ chế, chính sách liên quan sẽ có sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội theo luật định, bảo đảm minh bạch, công bằng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.