Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó việc giết mổ gia súc, gia cầm

Ngọc Quỳnh| 15/09/2021 06:26

(HNM) - Trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, việc bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô là yêu cầu không đơn giản với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội. Trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo Hànộimới, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố đã, đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm phát triển ổn định.

Dây chuyền chế biến thịt lợn sạch tại Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt, xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Ảnh: Viết Thành

- Nâng cao năng lực sản xuất cũng như kiểm soát an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Trên địa bàn thành phố hiện có 732 cơ sở, điểm, giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 58 cơ sở bán công nghiệp; còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công. Thời gian vừa qua, việc quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, đặc biệt là tại các cơ sở giết mổ tập trung đã có những chuyển biến tích cực. 8 tháng năm 2021, số động vật giết mổ được kiểm soát vào khoảng 8,6 triệu con, tăng hơn 30% so cùng kỳ năm trước. Thời điểm hiện tại, thành phố đã kiểm soát được hơn 60% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn.

Các địa phương cũng đã thực hiện Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội” với 29 cơ sở. Đến nay đã có 10/29 cơ sở được đầu tư, đang hoạt động hiệu quả.

Việc nâng cao năng lực sản xuất cũng như kiểm soát các cơ sở giết mổ không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô mà còn góp phần hạn chế dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

- Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bị tác động như thế nào, thưa ông?

- Thời gian vừa qua, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, thậm chí có những cơ sở phải tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân là do những cơ sở giết mổ nằm trong vùng cách ly, vùng phong tỏa, chưa có phương án cụ thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Còn với các cơ sở giết mổ tập trung có lượng lao động lớn, việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ, làm việc tại chỗ) là hết sức khó khăn… Chi phí sản xuất tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm bị thu hẹp vì các trường học, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể phải đóng cửa là vấn đề chung của ngành chăn nuôi, trong đó có các cơ sở giết mổ. 

Mặt khác, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ vẫn diễn ra trong các vùng giãn cách, phong tỏa (chủ yếu là lợn, gia cầm) để cung cấp thực phẩm hằng ngày cho người dân nơi đây cũng gây khó khăn cho các ngành chức năng trong công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm; đồng thời tác động xấu đến môi trường, tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

- Vậy cơ quan chức năng và các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố cần triển khai những giải pháp gì để vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng?

- Trước hết, cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm... cần thực hiện nghiêm túc các phương án hoạt động đã được chính quyền địa phương phê duyệt; đồng thời tùy thuộc điều kiện của từng cơ sở để triển khai phương án "3 tại chỗ" cho công nhân một cách phù hợp. Còn những cơ sở phải tạm dừng hoạt động trong thời gian vừa qua ở các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên… cần khẩn trương huy động mọi nguồn lực, xây dựng phương án giết mổ đúng quy định được chính quyền phê duyệt để hoạt động trở lại.

Các cấp chính quyền cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở giết mổ trên địa bàn; đồng thời duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch y tế ở ngay cơ sở hoặc vòng ngoài cơ sở giết mổ để siết chặt quản lý người ra - vào, nhất là với các cơ sở giết mổ tập trung. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền cho người lao động tại các cơ sở giết mổ chủ động sử dụng trang bị bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở mọi lúc, mọi nơi (đặc biệt là biện pháp "5K" của Bộ Y tế) để hạn chế thấp nhất lây nhiễm bệnh, bảo đảm nguồn lực lao động.

Với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cũng như sự chủ động của doanh nghiệp, cơ sở giết mổ trong việc triển khai các phương án sản xuất được chính quyền phê duyệt, chắc chắn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn sẽ thực hiện được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó việc giết mổ gia súc, gia cầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.