Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thảo luận và nhất trí kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14).
Các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 được Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) xác định là những công trình ưu tiên đầu tư. Theo đó, các công việc thực hiện bao gồm hoàn thành phần lớn việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 vào năm 2016, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đoạn tuyến Quốc lộ 1A Hà Nội-Cần Thơ dài 1.887 km, từ nay đến hết năm 2016 sẽ mở rộng 1.038 km và tăng cường mặt đường 222 km.
Đến nay, Bộ GTVT đã tích cực kêu gọi đầu tư, khởi công 9 dự án BOT. Ngay trong ngày hôm nay (26/5) sẽ khởi công tiếp dự án qua phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, cũng theo hình thức BOT. Từ nay đến hết tháng 6/2013 sẽ khởi công tiếp toàn bộ 7 dự án BOT còn lại.
Các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu cũng đã hoàn thành công tác thẩm định và phê duyệt, đang triển khai bước thiết kế và lập dự toán.
Trong khi đó, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên từ Đăk Giôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) dài 663 km. Toàn tuyến đi qua 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông.
Giai đoạn 1 đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng đoạn từ Đăk Giôn-Tân Cảnh (Kon Tum) dài 187 km, giai đoạn 2 đang tiếp tục triển khai đầu tư 552 km còn lại.
Cụ thể, đã và đang triển khai 274 km (vốn trái phiếu Chính phủ 55km, vốn nhà đầu tư BOT 219 km), còn lại 202 km/6.500 tỷ đồng đang đề nghị đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, dự kiến nếu được phê duyệt đúng tiến độ sẽ có thể hoàn thành cơ bản vào năm 2016.
Trong thời gian tới, để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, sẽ thực hiện chỉ định thầu đối với những đoạn tuyến quan trọng. Bộ GTVT đang chỉ đạo các chủ đầu tư làm việc với các cơ quan thuộc Bộ Xây Dựng để thẩm định giá gói thầu làm cơ sở chỉ định thầu đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, ngành giao thông cũng đang chỉ đạo, rà soát, đánh giá năng lực các nhà thầu theo hướng ưu tiên những đơn vị có kinh nghiệm, uy tín và năng lực thực hiện.
Đề xuất phương án về cơ chế vốn
Tại Nghị quyết số 31/2012/QH13 ngày 8/11/2012, Quốc hội đã quyết định chủ trương phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện 2 công trình giao thông đặc biệt này.
Đây là hình thức doanh nghiệp tự lập dự án, tự phát hành trái phiếu trên thị trường với lãi suất cao hơn trái phiếu Chính phủ. Trái phiếu của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh về khả năng thanh toán, và so với trái phiếu Chính phủ, mức độ hấp dẫn nhà đầu tư thấp hơn và phụ thuộc vào uy tín của bản thân doanh nghiệp phát hành.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư, các bộ, ngành đều gặp nhiều khó khăn.
Trước hết, đối với các dự án giao thông, chỉ có thể huy động vốn ở những đoạn, tuyến mà nhà đầu tư có khả năng thu hồi vốn thông qua thu phí. Như vậy, nếu tiến hành phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, thì khả năng thu hồi vốn là rất khó khăn. Bên cạnh đó, do chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu không cao, nên chi phí cho việc phát hành trái phiếu sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án.
Trên cơ sở thực tế đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư hai dự án giao thông nói trên.
Hiện nay, trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã diễn ra hiện tượng ùn tắc trên diện rộng, gây mất an toàn giao thông. Chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong khi đó, điều kiện thi công trên tuyến rất khó khăn vì vừa phải đảm bảo giao thông vừa thi công. Riêng đối với Quốc lộ 14, mỗi năm chỉ có thể thi công vào 5 tháng mùa khô do thời tiết khắc nghiệt vùng Tây Nguyên.
Để đáp ứng tiến độ các dự án theo đúng chỉ đạo của Trung ương Đảng và các Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất phương án huy động vốn trong khi chờ triển khai các thủ tục phát hành trái phiếu.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (ngày 26/5), các thành viên Chính phủ đã thảo luận và nhất trí trong thời gian tới sẽ cho phép ứng trước vốn để thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng. Trong khi đó sẽ tiến hành lập dự án, thẩm định chặt chẽ tổng mức đầu tư để chỉ định thầu. Các nhà thầu sẽ phải tiết kiệm ít nhất 5% tổng mức đầu tư, đồng thời chịu lãi suất như lãi suất của vốn trái phiếu Chính phủ trong thời gian ứng vốn.
Việc lựa chọn các công trình cụ thể sẽ được tiến hành một cách chặt chẽ, theo hướng chỉ ưu tiên với những công trình đặc biệt quan trọng, đang thực hiện dở dang.
Việc ứng vốn nhằm thực hiện sớm công tác giải phóng mặt bằng, từ đó tiết kiệm thời gian thi công sau khi chính thức được Quốc hội phê duyệt nguồn vốn. Ngoài ra, quá trình ứng vốn và sử dụng vốn sẽ được kiểm soát hết sức chặt chẽ.
Dự kiến, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế tương tự để phát hành trái phiếu Chính phủ với các dự án y tế, các công trình thủy lợi trọng điểm.
Toàn tuyến quốc lộ 1A được chia thành 37 dự án, gồm: 17 dự án theo hình thức BOT (562 km/ 42.502 tỷ đồng); 2 dự án đang đầu tư từ nguồn vốn ứng ngân sách Nhà nước (60 km/3.387 tỷ đồng); 17 dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ (678km/ 47.843 tỷ đồng); 1 dự án đầu tư bằng vốn vay ADB (25km/4.200 tỷ đồng). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.