(HNM) - Quốc phòng và an ninh là tiêu chí số 19 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Theo hướng dẫn đánh giá “chấm điểm” tiêu chí này, những xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự sẽ không đạt.
Lực lượng chức năng kiểm tra tạm trú, tạm vắng tại khu trọ sinh viên. Ảnh: Hà Linh |
Khó thực hiện tiêu chí
Theo hướng dẫn của Bộ Công an: Trên địa bàn xã diễn ra một số vụ việc phức tạp về an ninh, chính trị như hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống đối chính quyền, vi phạm các quy định của Nhà nước...; xã có trên 30 đối tượng hình sự, ma túy, hằng năm xảy ra từ 20 vụ việc hình sự trở lên, có trọng điểm, tụ điểm về tệ nạn xã hội... được xác định là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải cho biết: Căn cứ theo hướng dẫn đó, Bộ Công an xác định Hà Nội có 271/386 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Đây là khó khăn lớn trong thực hiện tiêu chí số 19 về nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô. Dự kiến bắt đầu từ tháng 10 tới, Hà Nội sẽ triển khai đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Bám theo Hướng dẫn 07/HD-BCA-V28 ngày 18-11-2016 của Bộ Công an “Xác định xã đạt chuẩn về an ninh, trật tự xã hội và bảo đảm bình yên; huyện đạt tiêu chí an ninh, trật tự xã hội” làm cơ sở để chấm điểm tiêu chí số 19, các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự sẽ bị “điểm trừ”.
Mới đây, báo cáo tại hội nghị giao ban quý II, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải cho biết: Đến hết năm 2016, toàn thành phố có 255/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với những xã đã được công nhận, sau 5 năm (kể từ khi được công nhận), sẽ phải rà soát, đánh giá để công nhận lại. Riêng 131 xã đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, áp theo Hướng dẫn số 07/HD-BCA-V28, thì nhiều xã khó đạt tiêu chí số 19.
Đề xuất sửa đổi
Chủ tịch UBND xã Cổ Đông (Thị xã Sơn Tây) Khuất Văn Trường cho biết, xã có diện tích tự nhiên 3.000ha, dân số 17.000 người sinh sống ở 16 thôn. Từ năm 2006 đến nay, mức tăng dân số cơ học trên địa bàn xã khoảng 10%/năm. Do đặc thù là xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều xí nghiệp, doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu du lịch, khu thương mại... nên Bộ Công an công nhận Cổ Đông là xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự. “Nếu địa phương xin “rút” khỏi xã trọng điểm, phức tạp thì sẽ bị giảm lực lượng công an viên và phụ cấp cho họ. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến nhân lực bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Nếu không xin “rút” thì sẽ khó đạt tiêu chí số 19 về xây dựng nông thôn mới” - ông Trường nêu bất cập.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, năm 2017 toàn thành phố có 52 xã đăng ký phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 37 xã thuộc diện xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự. Qua rà soát mới đây của Công an TP Hà Nội tại 386 xã, đa số các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự vẫn đề nghị huyện và thành phố giữ công nhận là trọng điểm; đáng chú ý có thêm 36 xã đề nghị xem xét, bổ sung vào danh sách, chỉ có 13 xã đề xuất xin rút khỏi danh sách xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Công an TP Hà Nội đang thẩm định để báo cáo UBND thành phố và Bộ Công an xem xét những xã xin rút khỏi danh sách xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải cho rằng, việc xác định xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự nhằm mục đích để các cấp, các ngành tập trung hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời hỗ trợ thêm phụ cấp cho lực lượng công an, chứ không có nghĩa là tình hình an ninh, trật tự xã hội tại các địa phương này đang có vấn đề phức tạp, bởi trên thực tế, an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn Hà Nội vẫn cơ bản giữ được ổn định.
Trước khó khăn trên, ông Đào Thanh Hải đề xuất cấp trên tháo gỡ theo hướng tách thành hai trường hợp: Xã trọng điểm về an ninh, trật tự và xã phức tạp về an ninh, trật tự. Theo đó, xã trọng điểm về an ninh, trật tự là xã có tốc độ đô thị hóa nhanh; có các khu công nghiệp, khu đô thị, khu thương mại, du lịch, có đầu mối giao thông quan trọng cần bảo vệ; xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, có cơ sở thờ tự trọng điểm của tôn giáo… Ở những nơi này, vẫn đủ điều kiện để được xét công nhận tiêu chí 19 trong xây dựng nông thôn mới theo quy định. Còn các xã phức tạp là địa phương để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, đơn thư vượt cấp; nơi để xảy ra trọng án, có người sử dụng ma túy; có các vi phạm nghiêm trọng về môi trường… thì không đủ điều kiện để xét tiêu chí 19 và cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.