(HNM) - Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2017, hai xã nghèo nhất của TP Hà Nội là An Phú (huyện Mỹ Đức) và Ba Vì (huyện Ba Vì) không còn nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn.
Nghề trồng cây thuốc Nam phát triển ở xã Ba Vì. |
Bứt phá để thoát nghèo
So với những năm trước, diện mạo nông thôn ở xã Ba Vì - nơi có hơn 2.000 đồng bào dân tộc Dao sinh sống (chiếm 98% dân số của xã) đang có sự thay đổi từng ngày. 80% đường làng, ngõ xóm đã được cứng hóa thay cho những con đường đất đỏ, loang ổ trâu, ổ gà. Hai điểm trường THCS ở thôn Yên Sơn và Hợp Nhất vừa được hoàn thiện đón học sinh vào năm học mới. Các công trình nhà văn hóa còn vương mùi sơn mới trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân sau những giờ lao động vất vả.
Trong những nếp nhà, đồng bào Dao vui với niềm vui có nước sạch để sinh hoạt, con, cháu được tạo mọi điều kiện thuận lợi để học hành. Đặc biệt hơn, những vườn cây thuốc nam được chăm sóc tỉ mỉ, tươi xanh đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân trong xã.
Ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, sau nhiều năm đứng trước nguy cơ thất truyền, nghề trồng, chế biến, chữa bệnh bằng cây thuốc nam đang hồi sinh, phát triển ở xã Ba Vì. Hiện nay, thôn Yên Sơn đã được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống thuốc Nam. Hai thôn còn lại là Hợp Nhất và Hợp Sơn đang phấn đấu xây dựng thành công làng nghề, để có thể đưa Ba Vì trở thành xã nghề truyền thống thuốc Nam vào năm 2020.
Năm 2016, nguồn thu từ cây thuốc Nam chiếm tới 45% tổng thu nhập của xã. Nhờ cây thuốc quý, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm từ xấp xỉ 50% năm 2015 xuống còn 37,43%. Ước tính, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Ba Vì giảm còn khoảng 30%, thu nhập bình quân đạt 13 - 14 triệu đồng/người/ năm.
Trái ngược với hình ảnh hoang hóa trước đây, xã An Phú - địa bàn cư trú của hàng nghìn đồng bào Mường đẹp như bức tranh, với điểm nhấn là những đầm sen thơm ngát, cây trái trĩu quả. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ gia đình đầu tư chăn nuôi tập trung, trong đó mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chuyển đổi mô hình trồng trọt, chăn nuôi, dám nghĩ, dám làm, nhiều hộ gia đình thuần nông ở An Phú trở thành triệu phú, tỉ phú.
Những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế như bà Đặng Thị Triệu, thôn Đồng Chiêm; anh Lê Văn Tiến, thôn Thanh Hà… không còn xa lạ với nhiều người. Những gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm như hộ ông Nguyễn Xuân Thê, thôn Ái Nàng; Mai Văn Hảo, thôn Đồng Văn; Trần Văn Tiến, thôn Đồi Dùng; bà Nguyễn Thị Huệ, thôn Nam Hưng… cũng tích cực chăm sóc bò sinh sản, nuôi hy vọng thoát nghèo.
“Nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cơ quan chức năng, nỗ lực của người dân, công tác xóa đói, giảm nghèo ở An Phú đạt nhiều kết quả khả quan. Từ xã thuộc diện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đa số, đến nay An Phú chỉ còn hơn 20% hộ nghèo”, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng định.
Trăn trở tìm hướng đi
Không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc ở các xã nghèo trong những năm gần đây, song trên thực tế, các địa phương vẫn loay hoay tìm hướng thoát nghèo bền vững.
Theo ông Dương Trung Liên, xã Ba Vì có sự đổi thay tích cực chủ yếu là nhờ các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, nên nếu thiếu sự đầu tư này, xã khó thoát khỏi “rốn” nghèo của thành phố. Cụ thể là xã Ba Vì vẫn còn tới 18% số hộ cận nghèo, trong khi người dân đang rất thiếu phương tiện sản xuất, thiếu tri thức để làm giàu. Phát triển nghề thuốc Nam được coi là giải pháp để thoát nghèo hiệu quả, bền vững cũng đang gặp khó do thiếu diện tích trồng cây dược liệu nên nguồn cung không đủ cầu. Đáng lo ngại hơn, một số vị thuốc quý có nguy cơ thất truyền.
Bà Triệu Thị Hòa, Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì cho hay, thuốc Nam gia truyền của người Dao có hàng trăm vị, chữa được nhiều loại bệnh, nhưng hiện nay nhiều loại cây thuốc quý như huyết đằng, tăng lực (còn gọi là cây B1), cây máu người, củ dòm… không còn. Ươm trồng những cây thuốc này không dễ vì có nhiều loại cây thích hợp với độ cao, chỉ có thể trồng ở lưng chừng núi Ba Vì, trong khi phần lớn diện tích thích hợp để trồng cây thuốc hiện thuộc quản lý của Vườn Quốc gia Ba Vì. Phát triển cây thuốc Nam trên diện tích đất nông nghiệp cũng không dễ khi cả xã chỉ có 21ha đất nông nghiệp… Từ thực tế đó, bà Triệu Thị Hòa mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm quy hoạch vườn thuốc tập trung, đồng thời ưu tiên bảo tồn nguồn gen cho các loại cây thuốc quý.
Ông Dương Trung Liên kiến nghị ngành Văn hóa, ngành Du lịch sớm triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Yên Sơn theo các đề án, dự án đã phê duyệt; từng bước trang bị, hướng dẫn cho đồng bào Dao cách thức làm du lịch trên cơ sở tôn trọng bản sắc văn hóa, tránh tình trạng phát triển manh mún, tự phát như hiện nay. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hậu kiến nghị ngành Du lịch sớm triển các dự án du lịch đặc thù, đưa An Phú trở thành điểm đến hấp dẫn trong cụm du lịch trọng điểm Hương Sơn - Quan Sơn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, xã An Phú và Ba Vì phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 6%. Thực tế cho thấy, nếu không có các giải pháp can thiệp, tháo gỡ kịp thời, mục tiêu trên khó có thể trở thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.