Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Gỡ khó” cho nhóm tiêu chí hạ tầng

Nguyễn Mai| 07/07/2017 06:33

(HNM) - Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” vừa kết thúc đợt kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại 18 huyện, thị xã.


Bộn bề khó khăn

Xã Tam Đồng, huyện Mê Linh đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2017 nhưng hiện nay vẫn còn 3/19 tiêu chí chưa đạt. Bí thư Đảng ủy xã Tam Đồng Phạm Thành Đô cho biết: Một số tuyến đường giao thông ngõ xóm của xã xuống cấp, hư hỏng chưa được cứng hóa, Ngoài ra, xã còn thiếu nhà văn hóa quy mô thôn, các trường học chưa đạt chuẩn do thiếu diện tích.

Thi công đường giao thông nội đồng tại xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm). Ảnh: Anh Tuấn


Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà, năm 2017, huyện Mê Linh phấn đấu có thêm 4 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nhưng tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng đều chậm. Các tiêu chí hiện đạt thấp gồm trường học, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, thủy lợi...

Năm 2017, huyện Gia Lâm phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Trung Mầu, Ninh Hiệp và Lệ Chi. Hiện nay, cả 3 xã này đều đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Lệ Chi cho biết, xã còn 3/19 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông; thủy lợi; môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay từ đầu năm, xã Lệ Chi đã phối hợp với các thôn xây dựng kế hoạch, phát động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh phí đối ứng của xã và nhân dân đóng góp chưa kịp thời nên việc xây dựng một số công trình chậm trễ.

Huyện Đông Anh dù đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nhưng vẫn còn xã Dục Tú chưa hoàn thành, phấn đấu được chứng nhận trong năm 2017, nhưng hiện nay mục tiêu này xa vời khi các trường học của xã đều chưa đạt chuẩn. Thực trạng trên là khó khăn chung của nhiều xã trên địa bàn thành phố phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2017.

Làm đến đâu phải chắc đến đó

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các địa phương chậm trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết: “Căn cứ vào đơn giá vật liệu xây dựng TP Hà Nội hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn thì giá phê duyệt dự toán so với giá thực tế trên thị trường có sự chênh lệch lớn. Ví như, cát vàng giá hỗ trợ là 204.000 đồng/m3, trong khi giá thực tế là 400.000 đồng/m3 nên các xã gặp khó khăn trong triển khai dự án”.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang, huyện đã chuẩn bị kinh phí để các xã triển khai dự án nông thôn mới được phê duyệt, tuy nhiên, cán bộ một số xã yếu kém dẫn đến lúng túng trong thực hiện, mất nhiều thời gian.

Trực tiếp tháo gỡ khó khăn về đơn giá hỗ trợ cho huyện Mê Linh, thành viên của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy cho biết, thành phố đã có hướng dẫn: “Trong các trường hợp giá tăng, hoặc giảm giá, chủ đầu tư dự án, đơn vị tư vấn thiết kế có thể tự điều chỉnh, quyết định khi lập dự toán mà không cần đề nghị lên thành phố”.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Lê Thiết Cương, căn cứ vào hướng dẫn chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn phải có số điểm tối thiểu 95/100 điểm và không có tiêu chí nào bị “điểm liệt” (không có điểm), do vậy đối với những địa phương hiện nay vẫn còn tiêu chí chưa đạt chuẩn (ví như trường học chưa đạt chuẩn) thì sẽ khó có khả năng hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2017 bởi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa (tháng 10) là thời hạn các xã phải hoàn thiện thủ tục để chấm điểm nông thôn mới, trong khi để hoàn thành xây dựng trường học cần nhiều thời gian. Chính vì vậy, các huyện, thị xã cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các xã, chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí và cố gắng để không có tiêu chí bị “điểm liệt”.

Ngoài tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng, các thành viên Tổ công tác của thành phố lưu ý các địa phương cần quan tâm đến tiêu chí môi trường, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng tiêu chí huyện nông thôn mới. Đối với xã phấn đấu hoàn thành nông thôn mới trong năm nay, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức, chủ động xây dựng nông thôn mới, quan tâm đến việc bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, phát triển kinh tế để xóa nghèo và nâng cao thu nhập... Trên cơ sở đánh giá sát thực các tiêu chí của xã mình để “trông giỏ, bỏ thóc” dồn lực cho các xã có khả năng hoàn thành nông thôn mới theo hướng làm đâu, chắc đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Gỡ khó” cho nhóm tiêu chí hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.