Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất phân bón

Trung Hiếu| 18/06/2020 07:12

(HNM) - Bộ Công Thương vừa đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật Thuế 71/2014/QH13, ngày 26-11-2014, bổ sung một số điều theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT ở mức 0-5%. Động thái này nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Việc đề nghị sửa đổi Luật Thuế 71/2014/QH13 góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật Thuế 71/2014/QH13, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2-6,1%... so với những năm trước đó. Nghịch lý này xuất hiện hoàn toàn ngược lại so với kỳ vọng ban đầu là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân.

Lý do chính là vì thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên mặt hàng phân bón không được khấu trừ thuế VAT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất. Từ đó, chi phí sản xuất phân bón tăng lên, doanh nghiệp buộc phải tính phần thuế VAT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Không ít nông dân đã chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn.

Sau khi Luật Thuế 71/2014/QH13 có hiệu lực, mặc dù các nhà máy sản xuất phân bón trong nước như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân urê, phân lân, phân NPK và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm, song từ năm 2015 đến nay, mỗi năm nước ta vẫn nhập khẩu khoảng trên 4 triệu tấn phân bón, chủ yếu từ các nước: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Nga, các nước Trung Đông… trị giá khoảng 1,33 tỷ USD.

Có thể thấy, chi phí giá thành phân bón trong nước tăng, dẫn đến bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khi cạnh tranh thị trường với phân bón nhập khẩu. Hiện nay, phân bón nhập khẩu đang hưởng lợi nhiều nhất bởi không phải chịu thuế VAT, giá bán giảm 5%. Trong khi theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế VAT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Ngoài ra, hầu hết các nước này còn có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp. Do vậy, phân bón nhập khẩu càng có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán.

Bên cạnh đó, vấn đề phân bón lậu, phân bón giả cũng là một nguy cơ. Theo Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ liên quan đến phân bón lậu, phân bón giả. Hàng lậu có giá thấp hơn hàng chính ngạch 1-2 triệu đồng/tấn, khi đến tay người  tiêu dùng thấp hơn thị trường khoảng 500-1.000 đồng/kg, nên dễ thu hút bà con nông dân...

Theo phân tích của ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, khi sản phẩm phân bón bán ra không được trừ thuế VAT thì doanh nghiệp không được trừ thuế VAT đầu vào, vì vậy doanh nghiệp buộc phải cộng thêm toàn bộ giá trị thuế VAT này vào giá thành sản xuất. Còn các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ nước ngoài vào thì không phải chịu thuế VAT đầu vào. Vô hình trung, chính sách này đang tạo ra “hỗ trợ” cho nhập khẩu từ nước ngoài mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Chính vì vậy, chính sách thuế phân bón rất cần có sự thay đổi để phù hợp với tình hình và đúng với định hướng chiến lược phát triển ngành phân bón của Chính phủ. Sự thay đổi này còn là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất phân bón

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.