(HNM) - Học sinh, sinh viên (HS, SV) là đối tượng nhạy cảm hơn ai hết với tác động của những khó khăn do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao trong thời gian qua. Trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn chung, chính sách tín dụng đối với HS, SV của Chính phủ là một giải pháp thiết thực giúp các đối tượng khó khăn có thể tiếp tục học tập và các cơ sở đào tạo có điều kiện phát triển.
Sinh viên yên tâm, nhà trường ổn định
Sau 3 năm triển khai chương trình tín dụng HS, SV, đến nay chương trình đã đạt tổng dư nợ hơn 26 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện cho trên 2 triệu HS, SV của gần 1,8 triệu hộ gia đình khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường. Đặc biệt, sau khi có sự điều chỉnh khung học phí trong các trường ĐH, CĐ, TCCN hệ chính quy, mức cho vay tối đa từ 800 nghìn đồng/tháng/HS, SV đã được tăng lên thành 860 nghìn đồng rồi 900 nghìn đồng, đỡ phần nào gánh nặng cho người học.
Chương trình tín dụng đã giúp nhiều học sinh, sinh viên được học tập và đào tạo nghề. Ảnh: Bá Hoạt |
Sau thời gian đầu lúng túng trong các thủ tục xác nhận cho HS, SV thuộc diện vay vốn, tới thời điểm này, đa số các trường đã thực hiện một cách nhanh chóng. Phần lớn các địa phương xác nhận đúng đối tượng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích. Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, thông qua các đợt kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương, các đoàn công tác của Bộ đã nhận được những phản hồi sâu sắc và cảm động của lãnh đạo các xã, các hộ gia đình, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... vì chính sách này đã giúp con em họ được tiếp tục học tập, để có cơ hội tìm kiếm việc làm, hy vọng thay đổi cuộc sống khó khăn hiện tại.
Năm học vừa qua, chương trình đã mở rộng thêm hai đối tượng cho vay là bộ đội xuất ngũ, phục viên có nhu cầu học nghề và lao động nông thôn học nghề theo đề án được duyệt của Chính phủ. Bên cạnh đó, chương trình cho vay cũng chặt chẽ hơn với quy định: các đối tượng mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học được cho vay một lần với thời hạn không quá 12 tháng, thay vì cả khóa học như trước. Trong trường hợp quá 12 tháng vẫn khó khăn, nếu có xác nhận của chính quyền địa phương, sẽ tiếp tục được cho vay theo chu kỳ 12 tháng.
Tín dụng đào tạo cũng đã giúp các nhà trường ổn định quy mô, đồng nghĩa với ổn định nguồn thu hỗ trợ. Từ khi thực hiện đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục, việc tăng học phí theo quy định có thể giúp các trường có thêm nguồn để phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nhưng lại tăng nỗi vất vả cho HS, SV nên chương trình tín dụng đã tháo gỡ cơ bản những khó khăn của cả hai phía. Các trường dễ triển khai chính sách mới của Chính phủ hơn, người học yên tâm học tập hơn.
Thu nhập trung bình cũng được vay?
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sau 3 năm, đến nay vẫn còn một số SV được vay sai đối tượng. Song con số này rất nhỏ, chỉ 170 SV trong tổng số hơn 2 triệu người được vay, chiếm 0,0057% tổng số vốn đã cho vay.
Bên cạnh đó, công tác trao đổi thông tin giữa nhà trường, địa phương, ngân hàng và đối tượng vay vốn cũng cần được hoàn thiện hơn nữa. Đặc biệt, vai trò của nhà trường trong việc quản lý, theo dõi, xác nhận cho HS, SV vay vốn; xác nhận việc nghỉ học, ngừng học, bỏ học, chuyển trường, có việc làm... là rất quan trọng. Để đáp ứng công tác quản lý của các nhà trường, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý gồm phần mềm quản lý vay vốn đi học và website "Vay vốn đi học". Nhưng dữ liệu lấy về từ Ngân hàng Chính sách xã hội chưa phù hợp hoàn toàn với các yếu tố đầu vào của website nên việc tra cứu thông tin cụ thể về tình hình vay vốn còn hạn chế. Vì vậy, đến thời điểm này, các cơ quan quản lý, các trường chưa thể sử dụng website để nắm bắt thông tin sinh viên vay vốn của trường mình. Từ đó, việc các trường tham gia quản lý, hỗ trợ để nhắc nhở, đôn đốc HS, SV trả nợ sau khi ra trường đang gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, hệ thống mã trường, mã ngành của các trường CĐ nghề, trung cấp nghề chưa được xây dựng và cung cấp, do đó không thể nhập dữ liệu phục vụ khai thác chương trình quản lý vay vốn đi học trên website http://vayvondihoc.moet.gov.vn được. Bộ GD-ĐT lo ngại điều này nếu không được khắc phục ngay sẽ ảnh hướng đến cả hệ thống quản lý.
Để chương trình tín dụng HS, SV tiếp tục đi vào cuộc sống, Bộ GD-ĐT đang đề xuất bổ sung đối tượng được tham gia chương trình. Đó là một số hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, nhưng cùng lúc phải lo cho nhiều con đi học thì kinh tế rất khó khăn. Theo tiêu chí thì những gia đình này không thuộc hộ nghèo hay cận nghèo. Khi không có con đi học ĐH, CĐ thì họ vẫn có thể bảo đảm cuộc sống. Tuy nhiên, khi có một con đi học ĐH, CĐ thì chi phí mỗi tháng tăng lên rất nhiều (trung bình khoảng 1.500.000 đồng/tháng), vượt quá khả năng của gia đình. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng này được tham gia chương trình.
Sau một thời gian triển khai và thực hiện, mặc dù còn có những khó khăn và hạn chế nhất định, song chính sách tín dụng đối với HS, SV đã thực sự là chính sách đầu tư có chiều sâu, dài hạn, có hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.