(HNMO) - Chiều 13-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường nhằm đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Tháo gỡ những “điểm nghẽn”
Các giải pháp phục hồi, phát triển nền kinh tế sau dịch Covid-19 được đa số đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận.
Nêu quan điểm doanh nghiệp là “xương sống” của nền kinh tế, các đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh), Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương thực hiện các chính sách; giải quyết bất cập, vướng mắc để doanh nghiệp, người dân, người lao động tiếp tục tiếp cận nhanh với các chính sách; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động; đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt khó, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, ổn định phát triển.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) kiến nghị Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu của năm 2020 cho phù hợp với thực tiễn trước khó khăn về kinh tế, ngân sách do tác động của dịch Covid-19. Đại biểu cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ theo kế hoạch để không làm ảnh hưởng dự toán thu ngân sách năm 2020.
Về vốn đầu tư công, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, đến hết quý I-2020, có 29 bộ, ngành, địa phương có số giải ngân vốn đầu tư công dưới 5%. Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê về việc giải ngân tăng 1% thì GDP tăng 0,06%, nhưng nếu hạ 1 lần Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) thì GDP tăng 1,42%, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, giải pháp phải theo đuổi lâu dài là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chứ không phải là giải ngân bằng mọi giá.
Đề cập việc triển khai Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng chưa đạt tiến độ đề ra, ảnh hưởng đến quy hoạch của các địa phương; giải ngân đầu tư công còn chậm…, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn và có giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế này.
Quan tâm đến việc chậm tiến độ của các chương trình dự án gây lãng phí nguồn lực đất nước, đại biểu Đỗ Quang Thành (Đoàn Cao Bằng) đề nghị Chính phủ sớm tiến hành rà soát lại các chương trình, dự án, kịp thời cấp đủ vốn cho các dự án đang triển khai, đồng thời cắt, chuyển vốn của các chương trình, dự án chậm tiến độ hoặc kém hiệu quả.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, từ đầu năm đến nay, để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và khuyến khích phát triển kinh tế như giãn thuế, ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…, một lượng tiền lớn đã được đưa ra nền kinh tế nhưng sự hấp thụ của nền kinh tế còn yếu. Vì vậy, cần có lộ trình nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ phù hợp với sự hấp thụ của nền kinh tế, bảo đảm chỉ tiêu vĩ mô và sự ổn định của nền kinh tế.
Triển khai giải pháp giảm giá thịt lợn, phục hồi du lịch
Tại phiên làm việc chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã tham gia trả lời những vấn đề được đại biểu quan tâm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, về tình hình dịch Covid-19, đã qua 58 ngày, nước ta không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, gần như mọi hoạt động của đất nước đã trở lại trạng thái bình thường mới. Trong khi đó, diễn biến dịch trên thế giới vẫn hết sức phức tạp với số người mắc bệnh và tử vong ngày một gia tăng. “Cuộc sống bình thường của Việt Nam hiện nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Bày tỏ sự biết ơn trước nỗ lực, sự ủng hộ của nhân dân, lực lượng chức năng trong phòng, chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cả nước phải quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch. Đứng trước nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất lớn nhưng không thể “đóng cửa” cực đoan, chúng ta cần tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép” - vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Làm rõ về vấn đề tái đàn, giảm giá thịt lợn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, do quy luật cung - cầu chưa gặp nhau nên hiện giá thịt lợn vẫn cao. Do đó, giải pháp hàng đầu là tập trung tái đàn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bảo đảm an toàn và đủ giống, đồng thời bảo đảm tính bền vững khi tái đàn, không bị tái bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu 15 đơn vị là các doanh nghiệp không chỉ chăm lo con giống, mà còn phải bán, cung cấp dịch vụ cho người dân. Rất nhiều địa phương cũng có chính sách hỗ trợ con giống cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như thành phố Hà Nội, tỉnh Nghệ An…, đồng thời khuyến nghị người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng - cũng là biện pháp để giảm giá thịt lợn trong tình hình hiện nay.
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau), đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, khuyến nghị người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng chỉ là những giải pháp tình thế, không thể nói giá thịt lợn tăng cao thì người tiêu dùng nên chuyển sang ăn các loại thịt khác. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại giải pháp điều hành giá theo quy luật cung - cầu hợp lý, đơn cử như giá xăng tháng 3-2020 giảm 50% nhưng các mặt hàng khác không giảm giá, trong khi giá xăng tăng thì các mặt hàng đua nhau tăng giá, kể cả những mặt hàng ít liên quan đến xăng dầu...
Về giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ngành Du lịch cả nước đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ người dân cả nước đi du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp phục hồi du lịch một cách toàn diện hơn, trong đó chia thành 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 là tập trung kích cầu du lịch nội địa; giai đoạn 2 là thí điểm đón khách du lịch ở một số quốc gia an toàn; giai đoạn 3 là mở rộng số quốc gia, khu vực để trao đổi khách quốc tế và giai đoạn 4 là hoạt động đón khách quốc tế trở lại bình thường.
“Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn 1. Để có thể mở cửa du lịch hoàn toàn thì sẽ phải trải qua thời gian dài, bởi còn phụ thuộc tình hình dịch Covid-19 trên thế giới. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh khách du lịch quốc tế sau dịch sẽ rất khốc liệt và chúng ta phải tận dụng cơ hội này một cách tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Phiên làm việc ngày 13-6 đã ghi nhận 40 đại biểu phát biểu ý kiến sôi nổi, chất lượng; 9 đại biểu tranh luận thẳng thắn, có tính xây dựng cao. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này vào ngày 15-6, trong đó sẽ tiếp tục mời một số bộ trưởng trả lời ý kiến của các đại biểu tại hội trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.