Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp sức đúng trọng tâm, trọng điểm

Hà Phong - Lý Thị Mai| 09/01/2022 07:14

(HNM) - Các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp trước những khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã vượt quá giới hạn, thì yêu cầu đặt ra là phải tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đúng trọng tâm, trọng điểm. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi, nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp vào quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế đất nước.

Nhiều khó khăn đặt ra

Sau khi cả nước bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương đã tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Những vấn đề “nóng” được nêu ra cũng là khúc mắc ở nhiều nơi cần tháo gỡ, đó là miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; không áp dụng trở lại biện pháp “3 tại chỗ” khi có dịch; nhanh chóng nối lại các dịch vụ vận tải đường bộ, hàng không tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa và đi lại của người lao động. Đề xuất tiếp theo là nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe nếu họ đã tiêm vắc xin phòng Covid-19...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Nguyễn Hải Minh chia sẻ, khảo sát của hiệp hội cuối tháng 8-2021 cho thấy, 91% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, 76% có kết quả kinh doanh không tốt… do hệ quả của thời gian giãn cách xã hội từ tháng 6 đến tháng 8-2021.

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Ngọc Viên Trần Thị Thùy Hương cho biết, là đơn vị đi đầu trong nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch nhưng doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sản phẩm nông nghiệp sạch của công ty bị hạn chế đầu ra buộc phải tìm đến nhiều giải pháp khác để thay thế nhưng rắc rối trong vấn đề pháp lý liên tiếp phát sinh khiến nhiều đơn hàng, cơ hội trượt khỏi tay. Điều này dẫn đến thiệt hại lớn cho Hương Ngọc Viên. “Chúng ta phải tạo ra một sân chơi giữa những doanh nghiệp với nhau, sân chơi giữa những người làm luật với doanh nhân từ đó tiếp sức, hỗ trợ nhau là điều cần thiết”, bà Trần Thị Thùy Hương nói.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân GIDIFA Việt Nam Trần Lê Thu Thảo, những vấn đề pháp lý thuộc nhiều lĩnh vực trong thời điểm đang có dịch và sau dịch sẽ thay đổi ra sao là điều các doanh nghiệp quan tâm mong muốn các chuyên gia hỗ trợ như: Rủi ro trong quản trị doanh nghiệp; đất đai trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn; chính sách thuế; thủ tục quy chuẩn chất lượng hàng hóa khi đưa ra thị trường...

Phải biết doanh nghiệp cần gì

Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết những khó khăn về thủ tục hành chính, đề xuất với trung ương miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, thay đổi hình thức hỗ trợ... bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động. Các yêu cầu về phòng, chống dịch cũng đã được Chính phủ giải quyết triệt để trong Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú, các khảo sát cho thấy, hiện vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là khi tiếp cận với cơ quan hành chính. Vì thế, việc tư vấn của chuyên gia để tháo gỡ khó khăn này chính là điểm nhấn để phát huy hiệu quả trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2030 Trần Minh Sơn cho rằng, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục hiện hữu trong thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, ngừng hoạt động. Vì vậy, ngoài đối thoại trực tiếp, việc tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo mô hình mạng lưới tư vấn viên; kết nối với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tọa đàm trực tuyến theo chuyên đề sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, trực tiếp cho doanh nghiệp quy mô nhỏ. Bản thân doanh nhân cũng phải chủ động tiếp cận và nắm bắt thông tin pháp lý từ cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành liên quan đến ngành nghề mình đang kinh doanh, để thực hiện theo hướng dẫn pháp lý.

Nhấn mạnh cần xác định trọng tâm, trọng điểm trong việc tư vấn, không nên làm dàn trải bởi nguồn lực nhà nước có hạn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp Nguyễn Duy Lãm phân tích, cần điểm trúng khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có kế hoạch triển khai hỗ trợ, xác định rõ đầu mối nhân sự làm công tác hỗ trợ pháp chế cho doanh nghiệp ở các bộ, ngành, địa phương để họ tìm đến đúng đầu mối khi cần. Đồng thời, tập hợp lại các mô hình hay, điển hình tốt mà nhiều địa phương đã và đang thực hiện như “Cà phê doanh nhân”, “Lãnh đạo lắng nghe doanh nhân”, “Bác sĩ doanh nghiệp”… Qua đó, nhân rộng những mô hình hay từ việc lắng nghe, tư vấn, làm thật để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giúp sức đúng trọng tâm, trọng điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.