(HNM) - Điểm nhấn đáng chú ý của ngành Giáo dục Hà Nội trong năm học 2022-2023 là việc triển khai thí điểm giáo dục STEM ở cấp tiểu học. Kết quả triển khai qua hơn một học kỳ cho thấy, kỹ năng ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế của học sinh có chuyển biến rõ nét. Kết quả này là căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định nhân rộng mô hình giáo dục STEM ở nhiều trường học trong thời gian tới.
Giáo dục STEM là mô hình giáo dục chú trọng đến việc tổ chức dạy học các môn thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, tin học, toán theo cách tiếp cận tích hợp liên môn gắn với giải quyết các vấn đề thực tế nhằm hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong 7 địa phương tham gia triển khai thí điểm giáo dục STEM ở cấp tiểu học. Sở đã chọn 10 trường tiểu học ở 5 quận, huyện để triển khai gồm: Tràng An, Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm); Thịnh Hào, Văn Chương (quận Đống Đa); Dương Xá, Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm); Tây Đằng B, Phú Sơn (huyện Ba Vì); Hồng Sơn, Xuy Xá (huyện Mỹ Đức).
Nói về việc chọn 10 trường này trong tổng số hơn 800 trường tiểu học hiện có của thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, các trường được chọn có trường ở địa bàn thuận lợi như Hoàn Kiếm, nhưng cũng có trường ở vùng khó khăn như Ba Vì, Mỹ Đức... Việc chọn các trường mang tính đại diện ở các khu vực nhằm đánh giá sát thực tính khả thi của giáo dục STEM trong các điều kiện dạy học khác nhau, làm cơ sở để chuẩn bị điều kiện cần thiết khi nhân rộng.
Thực tế, giáo dục STEM không hẳn là mô hình mới mà đã được nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội thực hiện với mức độ, hình thức phù hợp với học sinh từng cấp học. Là trường chất lượng cao, Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thuận tiện cho việc tổ chức các bài học theo hướng hoạt động trải nghiệm.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An Trần Thị Bích Liên thông tin, từ năm học 2019-2020, nhà trường đã đưa STEM vào các tiết học trong thời khóa biểu. Tham gia thí điểm là cơ hội để giáo viên nhà trường được tập huấn, bồi dưỡng thêm về kỹ năng tổ chức các bài dạy theo hướng tích hợp, đưa kiến thức đến gần hơn với cuộc sống, tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em tăng kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế.
Tham dự một tiết chuyên đề cấp thành phố do cô giáo Nguyễn Khánh Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 3G, Trường Tiểu học Tràng An thực hiện, càng hiểu sức hấp dẫn của mô hình STEM. Với kiến thức nền của môn tự nhiên xã hội, bài “Phòng tránh hỏa hoạn khi ở nhà”, cô Linh đã giới thiệu các nguyên nhân gây cháy, những thiệt hại do cháy, đồng thời tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm, sử dụng vật liệu tạo ra biển báo phòng, chống cháy nổ tại nhà. Em Nguyễn Ngân Hà hào hứng nói: "Em thích bài tập thực hành làm biển báo phòng, chống cháy, nổ. Em còn được cô giáo hướng dẫn cách giữ an toàn cho mình, nhất là khi sử dụng thiết bị điện ở nhà".
Dù điều kiện dạy học không nhiều thuận lợi như các trường ở khu vực nội thành, song học sinh Trường Tiểu học Tây Đằng B và Trường Tiểu học Phú Sơn (huyện Ba Vì) cũng đã có nhiều trải nghiệm lý thú với việc thường xuyên được cô giáo hướng dẫn thực hành làm các vật dụng từ sản phẩm tái chế, làm quen nhiều hơn với hình thức làm việc nhóm, có thêm kỹ năng truyền đạt thông tin và kỹ năng nghiên cứu... Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, thay vì triển khai dưới hình thức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục STEM được đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường, triển khai trong chương trình chính khóa. Việc thí điểm giáo dục STEM từ đầu năm học đến nay đã cung cấp cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng cốt lõi để có thể triển khai bài bản, hiệu quả.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn đặt ra. Do giáo dục STEM là nội dung mới nên chưa có tài liệu, hướng dẫn cụ thể, giáo viên đôi khi còn lúng túng. Nhiều lớp học ở Hà Nội có sĩ số học sinh/lớp khá cao nên việc tổ chức cho học sinh thực hành, trưng bày sản phẩm chưa thực sự hiệu quả... Đây là những nội dung cần được quan tâm để có giải pháp khắc phục khi nhân rộng mô hình STEM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.