Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch

Nhóm phóng viên| 26/03/2022 06:29

(HNM) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23-3-2022 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 tháng, trong 1 năm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm lên 60 giờ mỗi tháng, trên 200 giờ/năm nhưng không quá 300 giờ. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người lao động kỳ vọng, tăng giờ làm thêm là giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

May đồ bảo hộ y tế tại Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật TNT (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Đỗ Tâm

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương:
Giải pháp giải quyết sự thiếu hụt lao động

Theo tôi, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về số giờ làm thêm trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, giúp giải quyết sự thiếu hụt lao động. Bộ luật Lao động năm 2012 quy định số giờ làm thêm tối đa trong tháng là 30 giờ, tới lần này với mức 60 giờ là đã tăng gấp đôi. Điều 98 Bộ luật Lao động quy định, tiền lương làm thêm giờ được trả tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm theo mức: Thấp nhất vào ngày thường ít nhất bằng 150%, vào ngày nghỉ hàng tuần ít nhất bằng 200%, vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300%. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động được nâng lên một bước khi phải làm thêm quá mức luật định, nghị quyết đã bổ sung quy định: Trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Lê Quang Long:
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tuân thủ nghiêm quy định tăng giờ làm thêm

Thời gian qua, do sức ép từ các đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp thỏa thuận với người lao động để tiến hành làm thêm nên quyền lợi người lao động đôi khi không được bảo đảm. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới được thông qua quy định rất rõ số giờ làm thêm trong tháng, trong năm. Triển khai quy định mới này, quyền lợi của người lao động chắc chắn sẽ được bảo đảm hơn. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy định về số giờ làm thêm, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tuân thủ ở các doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh Nguyễn Thị Tiêu:
Thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động

Từ những quy định mới về số giờ làm thêm tại nghị quyết mới được thông qua, công ty chúng tôi tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định khác có liên quan của Bộ luật Lao động. Khi tổ chức làm thêm giờ, công ty sẽ thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về quản lý lao động. Đồng thời, áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động để người lao động có thu nhập trang trải cuộc sống. Trường hợp phải làm thêm giờ, công ty sẽ thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động như: Hỗ trợ thêm bữa ăn ca, ăn phụ để người lao động bảo đảm sức khỏe.

Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất nội thất Phú Mỹ (huyện Đông Anh) Bùi Mạnh Cường:
Bố trí làm thêm trên cơ sở chia ca, kíp hợp lý

Thực tế, doanh nghiệp nào cũng mong muốn có nguồn lao động kỹ thuật cao, ổn định và gắn bó lâu dài. Vì vậy, để giữ chân lao động và tối ưu hóa năng suất, ưu tiên hàng đầu của công ty chúng tôi là hiện đại hóa máy móc, thiết bị. Chỉ khi có những đơn hàng cần làm gấp, chúng tôi mới bố trí làm thêm trên cơ sở chia ca, kíp hợp lý. Tuy nhiên, rất mong các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát để các đơn vị sử dụng lao động thực hiện đúng quy định về thời gian làm thêm, bảo đảm công bằng cho người lao động.

Chị Nguyễn Thị Luyến, công nhân phân xưởng 2, Công ty TNHH May Đức Giang (quận Long Biên):
Hài hòa lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp

Tôi cho rằng, việc tăng ca là tất yếu ở hầu hết các công ty may mặc do đặc thù đơn hàng được sản xuất theo mùa vụ. Tuy nhiên, khi triển khai tăng ca, công ty luôn giải thích rất rõ, quy định pháp luật đối với giờ làm thêm và có cách bố trí thời gian tăng ca, nghỉ ngơi hợp lý giúp người lao động tái tạo sức lao động. Tôi nghĩ, dù thời gian làm thêm có tăng lên nhưng chỉ cần biết cách bố trí thời gian làm việc khoa học, hợp lý, bảo đảm tốt chế độ dinh dưỡng cho người lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả... thì lợi ích của cả người lao động và doanh nghiệp đều đạt được bảo đảm hài hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.