(HNM) - Trong hai ngày (13 và 14-7), HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII sẽ nhóm họp phiên thứ 2 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và định ra kế hoạch phấn đấu cho nửa năm còn lại.
Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh kinh tế biển. |
Tăng trưởng trong khó khăn
Theo đánh giá, nửa đầu năm 2011, kinh tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục vượt qua khó khăn, duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng phù hợp. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn ước đạt 199.990 tỷ đồng, tăng 9,9%. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ ước đạt 105.008 tỷ đồng, chiếm 52,4% GDP, tăng 10%, khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 93.161 tỷ đồng, tăng 9,9%, khu vực nông nghiệp ước đạt 1.821 tỷ đồng, chiếm 0,9% GDP, tăng 4,7%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn là 50.989 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Đầu tư trong nước có 12.194 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 72.472,07 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp tăng 4,75%. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) có 151 dự án được cấp giấy phép với tổng vốn đầu tư là 1.467 tỷ USD. So với cùng kỳ, số dự án giảm 9,04%, số vốn đăng ký tăng 65,78%. Ngoài ra, có 52 dự án tăng vốn với số vốn điều chỉnh tăng là 214,l88 triệu USD.
Qua những con số trên, có thể thấy tình hình kinh tế - xã hội TP tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó TP đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ DN như hỗ trợ lãi suất vay vốn thông qua chương trình kích cầu; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, dịch vụ; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại, nguồn vốn của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa. Đồng thời thực hiện chương trình bình ổn giá đối với đối tượng được mở rộng, bao gồm: các mặt hàng lương thực, thực phẩm hàng hóa phục vụ mùa khai giảng; thuốc chữa bệnh thông thường; sữa bột dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và người cao tuổi… với cách làm đa dạng, tổ chức nhiều điểm bán hàng lưu động tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa, tại KCX, KCN, ký túc xá sinh viên... Tất cả những biện pháp trên đã góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội của TP; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm (tháng 4 là 3,16%, tháng 5 là 2,38%, tháng 6 còn 0,69%). Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, doanh thu dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu đều duy trì mức tăng trưởng; tăng trưởng tín dụng được kiềm chế theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Giải pháp 6 tháng cuối năm
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Nửa năm còn lại TP sẽ tập trung nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng phù hợp. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Áp dụng các giải pháp chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển, mở rộng thị trường mới và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu, thiết bị công nghệ lạc hậu, hàng hóa vật tư trong nước sản xuất được. Phát triển và tổ chức tốt thị trường nội địa, thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
TP cũng tập trung thực hiện và hoàn thành chương trình thí điểm xây dựng các xã nông thôn mới. Chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch hại trên cây trồng; công tác phòng chống thiên tai, lụt bão, cứu hộ, cứu nạn… Tăng cường quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để khắc phục tình trạng quan liêu trong điều hành, TP tăng cường giao lưu trực tuyến thường kỳ giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN để phối hợp tháo gỡ vướng mắc, ách tắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các thành phần kinh tế, đầu tư, kinh doanh tại các vùng khó khăn. Quan tâm phát triển các DN nhỏ và vừa, hỗ trợ các DN trong các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư thương mại, tiếp cận thông tin thị trường.
Đặc biệt, TP sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách; đồng thời quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án trọng điểm sử dụng nguồn vốn ngân sách, vốn ODA như: Đại lộ Đông Tây, đường Bến Vân Đồn, mở rộng Xa lộ Hà Nội… Đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn của các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước trong tất cả các khâu: quy hoạch, lập dự án, thẩm định, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán, bảo đảm việc quản lý và sử dụng vốn một cách công khai, minh bạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.