Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ vững vai trò chủ lực

Hoàng Hà| 19/02/2021 06:03

(HNM) - Những năm gần đây, xe buýt Thủ đô có sự thay đổi lớn về chất và lượng: Mạng lưới tuyến liên tục được hợp lý hóa, vùng phục vụ được mở rộng với 126 tuyến phủ sóng toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã và 453/579 xã, phường, thị trấn… Không chỉ chú trọng phát triển hướng tuyến, số lượng phương tiện, chất lượng xe buýt của Hà Nội cũng được nâng lên, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, góp phần giảm ùn tắc giao thông, xây dựng văn hóa, văn minh đô thị. Đặc biệt, nhiều tuyến buýt được mở mới tới khu vực ngoại thành đã từng bước xóa “vùng trắng” xe buýt; mạng lưới xe buýt còn được phát triển theo hướng tăng tính kết nối với hệ thống đường sắt đô thị sắp được đưa vào vận hành...

Thêm một tin vui nữa là UBND thành phố Hà Nội mới đây đã chấp thuận chủ trương mở mới 30 tuyến buýt trong năm 2021. Theo đó, sẽ có sự điều chỉnh, đầu tư đáng kể cho công tác này vì mục tiêu mang lại sự tiện lợi nhiều nhất cho hành khách. Với lộ trình thực hiện rõ từng mốc thời gian, bản đồ vận hành cũng đã được lên khung cụ thể, 30 tuyến buýt mới này sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ đảm nhận vận chuyển hành khách bằng xe buýt lên 16-18% vào năm 2025 và 25% vào năm 2030 như Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 16-10-2020 của UBND thành phố Hà Nội đề ra.

Tuy có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay mạng lưới xe buýt trợ giá của thành phố mới chỉ đáp ứng được gần 10% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Nhiều người dân chưa mặn mà với phương tiện vận tải này do những hạn chế như việc vận hành của xe buýt vào một số khung giờ còn chậm; hạ tầng điểm đỗ ở một số tuyến chưa được đầu tư, cải tạo phù hợp...

Để trở thành loại hình vận tải hành khách công cộng chủ lực của thành phố, xe buýt gánh trọng trách nặng nề. Nhiệm vụ trước mắt của các cấp, ngành thành phố là tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 16-10-2020 của UBND thành phố về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào loại hình vận tải này và ưu tiên hạ tầng để tạo điều kiện cho xe buýt hoạt động thuận tiện.

Một giải pháp quan trọng cần triển khai sớm là mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới xe buýt tới các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các khu vực phát sinh nhu cầu đi lại cao của nhân dân như khu đô thị, khu công nghiệp mới. Cùng với đó là lựa chọn phương tiện phù hợp với từng khu vực; nâng chất lượng phương tiện theo hướng đồng bộ hóa, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách, ngành Giao thông - Vận tải thành phố, các đơn vị vận tải hành khách công cộng cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý cũng như nâng cao ý thức phục vụ của đội ngũ lái xe, phụ xe, nhân viên bán vé.

Về phía chính quyền các địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng xe buýt. Mặt khác, mỗi người dân cũng cần chia sẻ với những khó khăn hiện tại của hoạt động vận tải hành khách công cộng để ủng hộ, tăng cường sử dụng xe buýt, không để lãng phí nguồn lực đầu tư của thành phố.

Chỉ với phương châm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, xe buýt mới đáp ứng được nhu cầu, tăng sức hấp dẫn với người dân Hà Nội. Khi đó, xe buýt sẽ giữ vững vai trò chủ lực trong hệ thống vận tải hành khách công cộng và mang lại những lợi ích dài lâu cho Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ vững vai trò chủ lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.