Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Cán bộ, đảng viên cần bày tỏ thái độ bình tĩnh, ý chí kiên định, không nao núng, dao động trước những tình huống phức tạp, sự cố phát sinh như dịch bệnh, thiên tai… không may xảy ra trong xã hội; đồng thời chung tay góp sức để cùng cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp kiên quyết đẩy lùi nguy cơ, giảm thiểu thiệt hại, góp phần ổn định tình hình theo chiều hướng tích cực.
Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn mặt trái của thế giới hội nhập
Hiếm thời nào mà con người lại có điều kiện hưởng thụ cuộc sống tiện ích, sung sướng như thời nay. Nhưng cũng hiếm thời nào mà con người cũng phải đương đầu, đối phó với nhiều vấn đề xã hội như thời nay. Đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường và nguy cơ biến đổi khí hậu; tin tức giả, tin đồn tràn lan trên mạng xã hội; nhiều tệ nạn xã hội và tội phạm mới phát sinh… Trong đó, đáng quan ngại hơn là nguy cơ bệnh dịch lan truyền một cách nhanh chóng, rộng rãi, làm ảnh hưởng, đảo lộn sinh hoạt, cuộc sống, lao động sản xuất của người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm qua, nhiều loại dịch bệnh, như: SARS, cúm gà, dịch tả lợn châu Phi…, và những ngày gần đây là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra đang hoành hành tại Trung Quốc và lây lan ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Không ai mong muốn dịch bệnh phát sinh, lây lan trong cộng đồng. Nhưng chúng ta cũng khó có thể giải quyết tận gốc vấn đề dịch bệnh, mà phải tìm mọi cách để phòng, chống, giảm tối đa thiệt hại mà nó gây ra. Tiên lượng trước những diễn biến phức tạp khôn lường của dịch nCoV từ Vũ Hán (Trung Quốc) ảnh hưởng đến nước ta, cả thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị chỉ đạo, yêu cầu các cấp, các ngành và toàn xã hội phải nỗ lực bằng mọi giá để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này, coi việc phòng, chống dịch có tính cấp bách, khẩn trương, quyết liệt như phòng, chống giặc.
Chấp hành, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang tập trung sức lực, thực hiện các biện pháp đồng bộ, ráo riết, quyết liệt nhằm phòng, chống dịch bệnh này hiệu quả nhất, góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân và giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội. Nhiều cán bộ lãnh đạo đã không ngại đường sá xa xôi đích thân đến thị sát ở những cửa khẩu, địa bàn có nguy cơ cao về phát sinh dịch bệnh; trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng, chuyên ngành làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, khuyến nghị, khuyến cáo các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm trong việc phòng dịch, thực hiện nếp sống vệ sinh, văn minh, khoa học. Nhiều cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã có những việc làm thiết thực như hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch tại nơi cư trú, nơi làm việc; phát miễn phí khẩu trang y tế phòng, chống lây nhiễm; chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực trên mạng xã hội để giúp người dân đề cao trách nhiệm trong công tác phòng dịch…
Tung tin thất thiệt, gây nhiễu dư luận, làm hoang mang cộng đồng
Trong khi toàn xã hội đang dốc lòng, chung sức phòng, chống dịch nCoV gây ra, thì vẫn có một số người, trong đó có cả đảng viên, công chức, viên chức sử dụng mạng xã hội đưa những thông tin trái chiều, thật - giả lẫn lộn, gây nhiễu dư luận, thậm chí có những phản ứng không đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ. Chẳng hạn, có ý kiến nóng vội phê phán việc chậm ra quyết định cho học sinh nghỉ học; nhưng sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, nhiều địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học ở trường, thì có người lại đưa ra ý kiến cực đoan là để học sinh nghỉ ở nhà làm xáo trộn cuộc sống gia đình, vì cha mẹ đi làm thì không ai trông nom con cái (!).
Sau khi báo chí phê phán nhiều cơ sở kinh doanh bất chấp đạo lý, pháp luật, tự ý đội giá bán khẩu trang y tế gấp nhiều lần nên đã bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính, thế là một số người lại sử dụng mạng xã hội “kêu gọi” đóng cửa hàng, không nhập và bán khẩu trang y tế nữa. Đấy là chưa kể, có một số tung tin thất thiệt về nơi này có dịch, nơi kia có người mắc bệnh, nơi khác sắp có người tử vong do dịch bệnh… Những thông tin cẩu thả, võ đoán đó không những làm hoang mang dư luận, mà còn gây khó cho các cơ quan chức năng trong thực thi công vụ, giải quyết công việc chuyên môn.
Không chỉ bày tỏ thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm trong thời điểm xảy ra dịch bệnh hiện nay, mà trước đó, vào những lúc xã hội xảy ra những vụ việc “nóng” liên quan đến giải phóng đất đai, thực hiện chính sách đền bù cho người dân như ở Thủ Thiêm, Đồng Tâm… hay một vài “sự cố” liên quan đến an ninh trật tự xã hội ở Bình Dương, Bình Thuận…, một số cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo đã đưa ra những thông tin chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội không có lợi cho sự nghiệp chung, thậm chí đưa ra những ý kiến phản biện theo lối quy chụp, đổ lỗi cho chính quyền, cố ý lèo lái dư luận nghĩ theo hướng khác. Hành vi này vô hình trung tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có thêm nguồn tin sai lệch để ra sức xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Trong kỷ nguyên công nghệ số lên ngôi, khi mạng xã hội trở thành “diễn đàn tự do” toàn cầu thì không ít người tự cho mình cái quyền ảo tưởng là “nhà báo công dân”, “diễn giả”, “nhà bình luận”, thậm chí cả cái gọi là “nhà đấu tranh dân chủ”, “nhà hoạt động vì nhân quyền”... Nếu lợi dụng tự do ngôn luận để gặp đâu nói đấy, nói cho hả dạ, nói cho sướng mồm, nói để câu view, câu lile nhằm mục đích nhiều người biết đến để bán hàng online, hoặc muốn “nổi tiếng” theo kiểu “đốt đền” thì tự mình gánh chịu hậu quả. Thực tế cho thấy, thời gian qua có một số sự cố phát sinh, dịch bệnh, điểm nóng xảy ra trong đời sống xã hội, một số người hoặc là do thiếu thông tin, hoặc do ý đồ thiếu lành mạnh đã có những lời nói, phát ngôn, bình luận, chia sẻ sai trái, lệch lạc, thất thiệt trên mạng xã hội, vì thế đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự theo luật định.
Cán bộ, đảng viên làm điểm tựa vững chắc cho nhân dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn
Trước đây, trong xã hội nông nghiệp cổ truyền và cộng đồng làng xã, con người ít dịch chuyển, giao lưu và thường sống trong một phạm vi nhỏ hẹp, thì ngày nay, trong thế giới hội nhập và xã hội thông tin, khoảng cách con người hầu như không có giới hạn. Toàn cầu hóa đã mang đến nhiều điều kiện sống thuận lợi, văn minh cho nhân loại, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy không thể xem thường, nhất là vấn nạn dịch bệnh, sự cố xã hội xảy ra ngoài mong muốn của con người. Trước những tình huống đó đòi hỏi mọi người dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hết sức bình tĩnh, giữ gìn thái độ tỉnh táo, đề cao trách nhiệm và nâng tầm bản lĩnh ứng phó trước các sự cố phát sinh trong đời sống xã hội.
Sống trong thể chế xã hội nào cũng vậy, đội ngũ quan chức, công chức nhà nước phải luôn lấy kỷ cương phép nước làm trọng, thượng tôn pháp luật, ứng xử đúng mực, công tâm trước các sự cố, biến cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Được nhân dân ủy thác quyền lực nhà nước để quản lý, điều hành mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ở nước ta cũng không đứng ngoài thông lệ đó. Khi xã hội, đất nước phải đối mặt với những tình huống, sự cố ngoài ý muốn xảy ra đối với cộng đồng, không chỉ lãnh đạo cấp cao, mà mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên từng cương vị, chức trách cũng phải nhận thức thấu đáo bổn phận “công bộc”, “đầy tớ” trung thành của nhân dân và đề cao trách nhiệm chính trị để làm điểm tựa vững vàng, chắc chắn cho đồng bào, chiến sĩ trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Cán bộ, đảng viên cần bày tỏ thái độ bình tĩnh, ý chí kiên định, không hề nao núng, dao động trước những tình huống phức tạp, sự cố phát sinh như dịch bệnh, thiên tai… không may xảy ra trong xã hội; đồng thời chung tay, góp sức để cùng cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp kiên quyết đẩy lùi nguy cơ, giảm thiểu thiệt hại, góp phần ổn định tình hình theo chiều hướng tích cực. Đó vừa là bổn phận, trách nhiệm công dân, vừa là đạo đức, lương tâm của người cộng sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.