(HNM) - Trong 4 tháng qua, sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại thành phố Hồ Chí Minh giảm đột biến khiến giá bán cũng giảm mạnh. Số lượng lợn dôi dư lớn cùng với giá bán giảm khiến người chăn nuôi khó tái đàn. Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có vùng chăn nuôi lớn tăng cường kết nối để gắn kết cung - cầu thịt lợn, quyết tâm giữ vững nguồn cung thịt lợn phục vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chị Trần Mỹ Loan (quận 7) cho rằng, khi Tết Nguyên đán đến, nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng, nên người dân mong muốn các cấp, ngành chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giữ ổn định nguồn cung, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, đẩy giá thịt tăng cao. “Dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập của gia đình. Do đó, nếu giá thịt và các mặt hàng nông sản, thực phẩm tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân”, chị Trần Mỹ Loan chia sẻ.
Đồng Nai - “thủ phủ” chăn nuôi lợn ở miền Đông Nam Bộ, trong điều kiện bình thường tổng đàn lên tới 2,4 triệu con. Mỗi ngày, lượng tiêu thụ của vùng chăn nuôi này khoảng 10.000 con, riêng thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 7.000 con. Tuy nhiên, trong hơn 4 tháng qua, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, lượng tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh giảm xuống chỉ còn hơn 1.000 con/ngày. Điều này đã tác động trực tiếp đến “thủ phủ” chăn nuôi lợn ở Đồng Nai. Người chăn nuôi tại địa phương này, phần lớn quy mô hộ gia đình, khả năng tái đầu tư hạn chế nên có nguy cơ sụt giảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết, trong 4 tháng qua, trung bình mỗi ngày ở Đồng Nai dư khoảng 5.000 con lợn do không tiêu thụ được. Vì vậy, số lượng lợn tồn đọng tại chuồng trong 4 tháng qua là rất lớn. Kéo theo đó, giá thịt lợn trên thị trường cũng đã giảm sâu thời gian qua. Để trở lại trạng thái sản xuất bình thường ở các trang trại, phải cần 2-3 tháng mới tiêu thụ hết số lượng lợn tồn. Cũng theo ông Nguyễn Kim Đoán, cuối năm là thời điểm tiêu thụ thịt lợn tốt nhất. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tái đàn lợn để cung ứng cho thị trường Tết cũng sẽ khó khăn theo.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Ba Huân (nhà sản xuất và cung ứng thực phẩm lớn tại thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Huân cho biết, dù đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong nuôi trồng, sản xuất và phân phối thịt lợn nhưng do những khó khăn mang tính dây chuyền của ngành này nên công ty buộc phải giảm quy mô đàn lợn phục vụ thị trường Tết so với mọi năm. Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) Phan Văn Dũng cho biết, lượng thịt lợn tiêu thụ mùa tiêu dùng cuối năm nay có thể giảm 5-20% so với cuối năm 2020. Để đẩy mạnh tiêu thụ, công ty đã đa dạng sản xuất các sản phẩm chế biến từ thịt lợn và tăng cường kích cầu tiêu dùng.
Nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi mong muốn nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh; đồng thời mong muốn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành tháo gỡ các rào cản về lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ mùa tiêu dùng cuối năm và Tết Nguyên đán 2022. Còn ông Nguyễn Kim Đoán mong muốn Chính phủ điều tiết lại hạn ngạch nhập khẩu thịt đông lạnh theo hướng bảo vệ nguồn cung nội địa và người chăn nuôi lợn trong bối cảnh thị trường này bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện mật độ chăn nuôi tại thành phố đang trong quá trình giảm. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường kết nối với các tỉnh, thành có vùng chăn nuôi để bổ sung nguồn cung ứng thịt lợn phục vụ tiêu dùng Tết tại thị trường thành phố. Bên cạnh đó, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả, gắn kết cung - cầu, kích thích thị trường tiêu dùng nhằm tăng cường niềm tin để các doanh nghiệp, hộ sản xuất, chăn nuôi lợn mạnh dạn tái đàn, bổ sung nguồn cung trong và sau Tết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.