(HNM) - Mới chỉ một tháng trước thôi, chẳng mấy ai hình dung nổi giao thông ở Thủ đô sẽ ra sao khi những ngày Đại lễ bắt đầu. Công sở vẫn làm việc, trường học vẫn không nghỉ, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và cùng với hành trình giao thông thường ngày là hàng chục vạn, thậm chí cả triệu người từ khắp mọi miền dồn về Hà Nội với mong muốn được đón chào ngày lễ trọng của dân tộc.
Bình thường Hà Nội đã đông đúc, nay khách bốn phương đổ về, giao thông sẽ ra sao?!
Suốt những ngày qua, ít nhất kể từ đầu tháng 10 tới hôm nay, nhiều người thường xuyên có mặt trên nhiều đường phố của Thủ đô, từ trung tâm hồ Hoàn Kiếm tới Quảng trường Ba Đình; từ Đại lộ Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội tới những cây cầu vượt sông Hồng hay các bến xe; thậm chí cả các khu đô thị mới, các khu tập thể cũ, tôi cũng có mặt và điều kinh ngạc là thành phố rất đông, rất náo nhiệt, nhưng thật sự phong quang, thoáng rộng và tôi chưa từng một lần bị tắc đường như thường ngày trước kia. Ngay cả ở đoạn đường tắc nhất vào khoảng 17h30 tới 18h30 cũng thông thoáng. Rất đông mà không nghẽn!
Cuối cùng cũng tìm được nguyên nhân. Người đi trật tự hơn, nhường nhau hơn; cảnh sát có mặt nghiêm túc, điều hành nghiêm túc; hệ thống tín hiệu hoạt động nói chung tốt; vỉa hè phong quang, sạch sẽ; hầu như không có hàng rong và mọi hình thức lấn chiếm vỉa hè…; các phương tiện giao thông nặng như xe tải, xe khách liên tỉnh không có mặt trên các đường phố nội đô; xe buýt chấp hành luật như quy định…
Thật là tuyệt khi đi lại trên đường phố Thủ đô trong những ngày này. Điều đó đã được chính quyền thành phố đặt ra từ lâu, chỉ là người ta không thực hiện; hoặc có thì chỉ là những đợt "ra quân"… xong đâu lại vào đó, giao thông suốt ngày tắc. Bao nhiêu hội thảo, bao nhiêu thí điểm hiệu quả chưa được bao nhiêu. Cứ tưởng không thể làm nổi. Vậy mà 10 ngày Đại lễ chuyện đau đầu đã được giải quyết hiệu quả.
Vậy "hỗn loạn" giao thông Hà Nội có giải quyết được không?
Đại lễ đã cho đáp án. Đó không phải là vấn đề không giải quyết được. Và Đại lễ cũng đặt câu hỏi: Nếu không tiếp tục giữ vững kỷ cương như trong Đại lễ thì tình trạng cũ có thể tái diễn? Tuy nhiên, tối 10-10, tại khu vực Mỹ Đình đã diễn ra tình trạng "hỗn loạn" giao thông nghiêm trọng đến nỗi lực lượng cảnh sát giao thông không thể xử lý. Lượng người quá đông và ý thức của người dân kém đã gây nên tình trạng này. Song, một điều quan trọng là, có lẽ lực lượng chức năng đã không lường trước được việc người dân đổ về khu vực trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình lớn đến như vậy nên không có phương án phòng ngừa từ xa, xử lý kịp thời. Có nghĩa là nếu không giữ vững kỷ cương, không có những phương án xử lý sớm, đón trước, thì tình trạng hỗn loạn giao thông lại quay trở lại.
Vấn đề là ở chỗ đó - phải luôn luôn giữ vững kỷ cương, phép nước!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.