(HNM) - Không thể phủ nhận sự bùng nổ thành tựu công nghệ kỹ thuật số thời gian qua đã tác động mạnh mẽ đến báo chí. Thành tựu công nghệ thông tin đã làm cho thế giới không còn khoảng cách...
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến những cơ hội rất lớn, đó là sự đa dạng các loại hình báo chí, người làm báo có thêm nhiều công cụ hỗ trợ, thêm nhiều “vũ khí” tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng và công chúng được tiếp cận thông tin nhanh, thuận tiện, hiệu quả hơn.
Báo chí sẽ gắn chặt với tiến trình phát triển công nghệ mới, nếu không nắm bắt cơ hội đó để tận dụng, khai thác hiệu quả thì báo chí sẽ tụt hậu.
Thế nhưng, bên cạnh những ưu thế vượt trội của công nghệ thì thực tế cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Đó không chỉ là những thách thức về công nghệ khi trí tuệ nhân tạo phát triển, "nhà báo robot" trở nên phổ biến. Không chỉ là sự cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí với nhau. Mà đó còn là thách thức trước sự gia tăng đột biến những lực lượng “làm báo” phi truyền thống, là sự “cạnh tranh” với mạng xã hội, là những cám dỗ, cạm bẫy luôn chực chờ những nhà báo thiếu bản lĩnh… Đây là một nguy cơ hiện hữu thực sự.
Suy cho cùng thì máy móc sẽ khó thay thế được con người và ít nhất với báo chí cũng là như vậy. Cho dù là Cách mạng công nghiệp 4.0 hay các cuộc cách mạng về công nghiệp sau nữa, công nghệ chỉ hỗ trợ cho báo chí, giúp những người làm báo thực hiện công việc tốt hơn. Bởi người làm báo không chỉ có ngòi bút, có công nghệ mà quan trọng hơn hết là trí tuệ, bản lĩnh nghề nghiệp, là tư duy, là sự sáng tạo gắn với đạo đức, trách nhiệm.
Và trong sâu thẳm của những yếu tố này là rung cảm của người cầm bút trước thực tế cuộc sống đầy sinh động. Công nghệ là yếu tố rất quan trọng, nhưng cái tâm của người làm báo mới là nền tảng. Nhà báo không thể mải mê công nghệ mà quên nền tảng, giá trị cốt lõi của báo chí. Đó là những thứ mà bất cứ nhà báo nào cũng phải có như kiến thức, đạo đức, lý tưởng nghề nghiệp, thấu hiểu giá trị của sự cống hiến cho độc giả, cộng đồng xã hội và đất nước… Những điều đó vô cùng quan trọng.
Gần đây, một số ý kiến cho rằng, kinh tế thị trường làm tha hóa đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo, hoặc cũng có nhiều nhà báo biện minh cho những sai sót nghiệp vụ là do áp lực của công nghệ, sự cạnh tranh thông tin. Song, ngẫm đến cùng thì chính sự non kém về kỹ năng, kiến thức, bản lĩnh đã khiến cho không ít nhà báo bị “dẫn dắt” bởi thông tin sai lệch trên mạng xã hội, đưa tin vội vàng, thiếu thẩm định, tin giật gân câu khách gây tác động xấu đến xã hội. Thậm chí, sự thiếu rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp đã khiến cho một số nhà báo bị “chệch hướng”, sa ngã.
Đón nhận thành tựu cách mạng công nghiệp mới, nếu chỉ kỳ vọng mà không nhận diện thách thức sẽ rất nguy hiểm.
Việc trau dồi kỹ năng làm báo trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hết sức cần thiết với mỗi người làm báo trong các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp là công việc mà mỗi nhà báo phải làm thường xuyên, liên tục; phải luôn giữ được những tiêu chuẩn quan trọng là trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, tinh thần thượng tôn pháp luật, trách nhiệm với xã hội.
Với Báo chí cách mạng Việt Nam phải ý thức đúng về sự cống hiến, có đủ dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái xấu; luôn bám sát thực tiễn, hòa mình trong đời sống để đưa giá trị thực tiễn vào tác phẩm của mình trên tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng, phục vụ đất nước.
Khai thác thế mạnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng các cơ quan báo chí phải luôn quan tâm đào tạo, rèn luyện cho cán bộ, phóng viên về đạo đức, bản lĩnh. Khi mỗi nhà báo luôn biết giữ vững tôn chỉ, mục đích của tờ báo; kiên định bản lĩnh “bút sắc, lòng trong”, có phẩm chất chính trị vững chắc thì họ sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình trên mặt trận tư tưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.