(HNMO) - Hiếm có dịp lễ nào trong năm mang nhiều ý nghĩa như ngày rằm tháng Bảy âm lịch là lễ Vu lan, ngày xá tội vong nhân. Tuy nhiên, dù với tên gọi nào, dịp lễ này cũng đều nhằm thể hiện sự kính trọng, biết ơn với các bậc sinh thành, đề cao việc báo hiếu và làm việc thiện. Đây chính là cốt lõi của văn hóa Việt với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đã và đang được gìn giữ bằng việc loại trừ hủ tục, giảm thiểu nghi lễ rườm rà, lãng phí...
Vạn tâm báo hiếu, làm việc thiện
Giống với mọi năm, lễ rằm tháng Bảy được người dân thực hành từ đầu tháng với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: Chuẩn bị lễ cúng tổ tiên, làm phúc bố thí, tích phước cầu an, mong cho cha mẹ tăng phúc tăng thọ...
Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt thành phố đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, nên các nghi lễ được hầu hết người dân tiết giản, nhưng vẫn bảo đảm sự thành kính, trang trọng.
Đáng chú ý, việc lạm dụng hóa vàng mã cũng như "phong trào" phóng sinh, đã giảm dần trong một vài năm gần đây, tiếp tục được hạn chế trong mùa Vu lan báo hiếu này. Thay vào đó, những hoạt động thiện nguyện được thực hiện dưới nhiều hình thức, nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đang nở rộ nhiều nơi. Điều này cho thấy bước chuyển trong nhận thức của người dân thông qua việc ý nghĩa của dịp lễ đang được thực hành một cách thiết thực, hiệu quả.
Hoàn tất lễ cúng rằm từ trong tuần với mâm lễ nhỏ gọn, chỉ gồm xôi, gà và hoa quả, bà Lê Thị Hòa, giáo viên hưu trí trú tại phố Dương Quảng Hàm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết: "Truyền thống của gia đình nhiều năm nay là sửa soạn mâm lễ đơn giản, nhưng tươm tất để cúng tổ tiên. Những năm gần đây, gia đình cũng hạn chế sắm vàng mã để tránh lãng phí và ảnh hưởng môi trường".
Cũng theo bà Hòa, năm nay do giãn cách xã hội, con cháu không về ăn cỗ cùng ông bà. Tuy buồn, song gia đình vẫn luôn động viên nhau tuân thủ nghiêm quy định để giữ an toàn cho bản thân cũng như góp phần cho dịch bệnh qua mau.
Khác với bà Lê Thị Hòa, không ít gia đình lựa chọn dịp cuối tuần mới làm cỗ cúng rằm để các thành viên trong nhà đỡ bận bịu việc làm, việc học. Theo chị Nguyễn Thùy Trang (Chung cư Skylake Phạm Hùng), lễ cúng rằm năm nay gia đình làm rất đơn giản, cốt ở lòng thành. Thay vào đó, chị dành một phần thu nhập giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn qua các mạng xã hội.
"Quan điểm của tôi là nên thành tâm, sống tốt với ông bà, cha mẹ, anh em khi còn sống. Khi họ khuất rồi thì làm từ thiện, giúp được gì cho người nghèo, người khổ thì giúp", chị Nguyễn Thùy Trang chia sẻ.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, dịp lễ rằm tháng Bảy năm nay đúng vào dịp Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người dân đi chợ theo quy định trên thẻ, nên không khí mua sắm tại các chợ khá im ắng trong khi thị trường online lại "tấp nập" hơn với các mặt hàng cơ bản phong phú, đa dạng. Đặc biệt, mặt hàng vàng mã, nhất là các loại đồ mã to, như: Nhà, xe, voi, ngựa... có tốc độ bán ra khá chậm.
Bên cạnh lý do giãn cách xã hội, mặt hàng vàng mã không được coi là sản phẩm thiết yếu, phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung ứng, thì số đông người Hà Nội đã nhận thức rõ hơn về việc đốt nhiều vàng mã là lãng phí, cần hạn chế tục lệ này. Sự thay đổi này cũng thể hiện rõ rệt tại thôn Phúc An, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín), nơi trước kia là làng chuyên sản xuất vàng mã, nhưng những năm gần đây, số lượng người làm nghề này đã giảm rất nhiều.
Trưởng thôn Phúc An Phùng Quyết Thắng cho biết: "Năm nay, số lượng vàng mã sản xuất ra giảm đến 70% do người dân đã chuyển nghề, đồng thời vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên không lưu thông được".
Đơn giản nghi lễ không làm giảm sự trọn vẹn của đạo hiếu
Lễ rằm tháng Bảy là một hoạt động không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt; trong đó, nghi thức hóa vàng vốn là phong tục lâu đời, mang ý nghĩa tượng trưng. Việc lạm dụng vàng mã không chỉ gây tốn kém, lãng phí cho gia đình, xã hội, tạo nguy cơ cháy nổ, tác động tiêu cực đến môi trường..., đồng thời làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa ngày lễ, Tết của dân tộc.
Nói về tục đốt vàng mã, trên trang tin phatgiao.org.vn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ rõ, trong quan niệm Phật giáo không có tục lệ này. Giấy làm vàng mã là tạp phẩm, không sạch; tiền của dương gian không phù hợp với cõi vô hình..., trong khi bàn thờ là nơi thanh tịnh, linh thiêng, để con người thờ cúng tổ tiên với lòng kính. Phật giáo luôn quan niệm, "cứu một người phúc đẳng hà sa", số tiền mua đồ mã dùng để cứu người, hỗ trợ người nghèo mang ý nghĩa hơn nhiều.
Còn theo Hòa thượng Thích Đàm An (trụ trì chùa Linh Quang, quận Hà Đông), lễ rằm tháng Bảy không câu nệ lễ vật, mà quan trọng là tấm lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
"Thay vì làm những việc phi lý, vô ích như sắm sanh thật nhiều lễ vật, tốn kém để cúng tế, hãy chuyển nguồn công đức đó làm từ thiện, giúp đỡ người kém may mắn hơn trong xã hội. Trong thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân đã hướng về những lời răn dạy này để có những việc làm mang lại giá trị, ý nghĩa thiết thực hơn cho cộng đồng. Đây cũng là cách loại trừ hủ tục, tập quán không còn phù hợp, gìn giữ, bồi đắp văn hóa truyền thống của dân tộc", Hòa thượng Thích Đàm An nhấn mạnh.
Nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tăng cường giáo dục, khuyên răn tăng, ni, phật tử không nên dâng cúng, đốt vàng mã trong ngày rằm tháng Bảy nói riêng, các ngày lễ nói chung. Quan điểm này đã dần được nhân dân hưởng ứng, góp phần đẩy lùi tư tưởng "trần sao, âm vậy" gây lãng phí và nhiều hệ lụy.
Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ, bên cạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là sự vận động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về những hệ lụy của việc lạm dụng vàng mã, sự chuyển biến trong nhận thức, hành động người dân trong việc sử dụng vàng mã cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất tại thôn Phúc An.
"Để bảo đảm đời sống kinh tế, địa phương tích cực hỗ trợ các hộ chuyển đổi ngành nghề bằng nhiều hình thức. Nhờ vậy, nhiều hộ đã chuyển từ sản xuất hàng mã sang buôn bán các mặt hàng thiết yếu như gạo, hoa quả... cũng như tăng cường lao động cho các làng nghề, công ty, doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp quanh địa bàn", bà Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.