Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ thương hiệu bưởi Hà Nội

Kim Văn| 26/02/2016 06:36

(HNM) - Hà Nội có nhiều giống bưởi quý: Bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, bưởi đường Vân Cốc, bưởi cam đường Tích Giang, bưởi đỏ Mê Linh… Các giống bưởi bản địa có sức đề kháng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, sai quả, quả tròn, vỏ mỏng, vị ngọt, mùi thơm dịu nhẹ...


Sản vật quý

Vườn bưởi của gia đình ông Trần Văn Sửu, Thôn 2, xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ năm nay được mùa. Ông Sửu cho biết, nhà có 80 gốc bưởi được trồng từ năm 1995. Suốt 20 năm qua, chưa khi nào vườn bưởi mất mùa. Trung bình mỗi năm, ông thu được 5.000 quả. Riêng vụ này, bưởi cho thu hoạch hơn 7.000 quả. "Năm nay, tôi đã bán buôn hết cho thương lái với giá 30 nghìn đồng/quả, thu về khoảng 180 triệu đồng. Chưa kể, nhà còn 100 cây trồng ở khu trại đã bán buôn được 100 triệu đồng" - ông Sửu vui mừng cho biết.

Ông Trần Văn Sửu, xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ phấn khởi khi bưởi được mùa, được giá.


Ở nhiều xã vùng bãi của huyện Phúc Thọ, người dân đã chuyển đổi vườn tạp sang trồng bưởi. Cây hợp với chất đất nên phát triển tốt, sai quả. Nhiều cây cho 500 quả và đã được ngành Nông nghiệp tuyển chọn làm cây đầu dòng để nhân giống. Đặc trưng của bưởi Phúc Thọ là quả tròn, màu vàng, vỏ mỏng. Mỗi quả trung bình có 12 đến 13 múi, múi to, đều, bóc róc cùi, tép bưởi màu vàng trong, độ ngọt 18-20%, thời gian chín và thu hoạch vào dịp giáp tết Nguyên đán nên sản phẩm tiêu thụ nhanh và giá trị cao. Mới đây, huyện Phúc Thọ đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Bưởi Phúc Thọ".

Cùng với Phúc Thọ, nhiều vùng ngoại thành Hà Nội đã xây dựng thành công nhãn hiệu bưởi đặc sản của địa phương như "Bưởi tôm vàng Đan Phượng", "Bưởi đường Quế Dương"... Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Nếu năm 1995, bưởi trồng rải rác trên địa bàn huyện, song diện tích còn ít, chủ yếu ở các xã ven Sông Đáy: Song Phượng, Đồng Tháp, Phương Đình… thì sau khi thực hiện xong dồn điền, đổi thửa (năm 2007), bưởi tôm vàng đã được trồng rộng khắp và mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2012, bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Nâng cao chất lượng, giá trị

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, bưởi là cây ăn quả chủ lực ở Hà Nội. Hiện trên địa bàn có 2.706ha bưởi, tập trung tại các huyện Đan Phượng 255ha, Hoài Đức 288ha, Quốc Oai 190ha; Chương Mỹ 224ha, Phúc Thọ 238ha… với sản lượng đạt 35.521 tấn. So các cây trồng khác, trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao, đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Tuy diện tích lớn nhưng sản xuất bưởi ở Hà Nội vẫn còn hạn chế là nhiều vùng chưa áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn; chưa có sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ nên lợi nhuận nông dân thu được còn thấp... "Nông dân Phúc Thọ có truyền thống trồng bưởi. Tuy nhiên, diện tích vẫn còn manh mún nên chưa khai thác hiệu quả" - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phúc Thọ Lê Thị Toan nhận định.

Trong thành quả xây dựng vùng chuyên canh bưởi, phát triển thương hiệu đó cũng có sự đóng góp không nhỏ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội. Triển khai đề án phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao giai đoạn 2012-2016 của thành phố, từ năm 2013-2015, Trung tâm đã xây dựng và duy trì được 3 nhãn hiệu "Bưởi Quế Dương", "Bưởi Phúc Thọ", "Bưởi Chương Mỹ". Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị trái bưởi.

Nhiều hộ nông dân trồng bưởi huyện Phúc Thọ cho biết, vụ bưởi vừa qua, hầu hết các vườn bưởi lớn của huyện Phúc Thọ đã được thương lái đặt mua tại vườn. "Sau khi có thương hiệu, huyện Phúc Thọ đã tính đến việc điều chỉnh quy hoạch, mở rộng diện tích thâm canh bưởi; tăng cường tập huấn cho nông dân nhằm nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu. Theo kế hoạch, trong vài năm tới, huyện Phúc Thọ phấn đấu có 700-1.000ha trồng bưởi và từng bước đưa sản phẩm "Bưởi Phúc Thọ" trở thành thương hiệu mạnh của Thủ đô, chinh phục tất cả khách hàng khó tính gần xa" - bà Toan cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ thương hiệu bưởi Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.