(HNM) - Năm 2015, ba
VNPT sẽ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin
Dù phải thực hiện tái cấu trúc, song năm 2015, Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt gần 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.280 tỷ (tăng 20% so với năm 2014). Đáng chú ý là năng suất lao động đạt hơn 2 tỷ đồng/người/năm (tăng 16%). Năm 2015, VNPT cũng đã hoàn thành bộ máy theo mô hình 3 lớp (với 3 tổng công ty): Kinh doanh-hạ tầng-dịch vụ. Năm 2016, VNPT sẽ thêm "trụ cột" thứ tư là công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT).
Nhân viên VNPT thực hiện các biện pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng mạng lưới và dịch vụ đường truyền. |
Năm nay VNPT sẽ tập trung tái cơ cấu khối CNTT theo hướng tập trung vào phát triển giải pháp về triển khai chính phủ điện tử; thuê ngoài ứng dụng CNTT; phát triển các bộ giải pháp CNTT phục vụ chính quyền điện tử và các chuyên ngành giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, thuế. VNPT sẽ xây dựng các đơn vị sản xuất thiết bị ngoại vi phụ trợ, thiết bị điện tử, viễn thông, CNTT với mục tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, lãnh đạo VNPT cũng khẳng định, VinaPhone vẫn là "quả đấm thép" của Tập đoàn. Do vậy, sẽ tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới và chất lượng dịch vụ để VinaPhone trở thành nhà mạng có chất lượng tốt nhất.
Viettel đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài
Liên tục nhiều năm nay, Viettel nắm giữ ngôi vị số 1 trên thị trường viễn thông. Kết thúc năm 2015, Viettel tiếp tục đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu 222.700 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 37.300 tỷ đồng. Nhìn vào con số này có thể thấy Viettel có doanh thu, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với đối thủ.
Từ nhiều năm nay, Viettel đã đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Hiện, Viettel vẫn duy trì sự dẫn đầu ở thị trường trong nước, song ở mảng kinh doanh nước ngoài lại được đánh giá là sẽ đem lại giá trị lớn, nhất là khi thị trường trong nước sẽ bão hòa. Đáng chú ý, năm 2015, với 75 triệu khách hàng tại thị trường 10 nước ở Châu Á, Châu Mỹ và Châu Phi đã giúp doanh thu của Viettel đạt 1,5 tỷ USD. Viettel cũng đặt mục tiêu mỗi năm sẽ giành được 2 giấy phép kinh doanh tại nước ngoài để đến năm 2020 đạt doanh thu 550.000 tỷ đồng tại 20 thị trường. Ngoài các dịch vụ viễn thông cơ bản, Viettel sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ giá trị gia tăng, 3G, 4G ở các thị trường quốc tế.
MobiFone kinh doanh truyền hình
Năm 2015 là năm đầu tiên MobiFone hoạt động với mô hình mới sau khi tách khỏi VNPT. Nhà mạng này đạt doanh thu gần 37.000 tỷ đồng, lợi nhuận 7.395 tỷ đồng, tiếp tục duy trì được vị thế là doanh nghiệp viễn thông có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao nhất (hơn 49%)… Năm 2015 cũng đánh dấu việc nhà mạng này chính thức tham gia thị trường bán lẻ, đồng thời hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa. Gần đây nhất (ngày 8-1), MobiFone đã công bố hoàn tất mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) với truyền hình An Viên. Từ khi thành lập tổng công ty, MobiFone đã công bố 4 mảng kinh doanh trụ cột gồm: Di động-dịch vụ giá trị gia tăng - bán lẻ và truyền hình. Được biết, MobiFone dự kiến xây dựng một kênh truyền hình kết hợp viễn thông theo công nghệ mới nhất; cung cấp một số dịch vụ truyền hình miễn phí mà không ràng buộc phí thuê bao tháng; thực hiện thu phí dịch vụ cung cấp truyền hình qua mobile…
Mới đây, lãnh đạo MobiFone đã công bố kế hoạch đạt 100.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2020. Với việc "mở" thêm hai lĩnh vực kinh doanh mới, MobiFone tiếp tục duy trì và phát triển để giữ vững thế "kiềng ba chân" trên thị trường nhằm duy trì thế cân bằng cho thị trường viễn thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.