(HNM) - Gần đây, dòng phim về đề tài gia đình được nhiều nhà sản xuất, đạo diễn nước ta hết sức chú trọng. Trong đó có những bộ phim được chiếu tại rạp, trên truyền hình, ghi dấu ấn sâu đậm với khán giả. Đáng chú ý, có những phim chiếu rạp đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng, tạo nên những "cơn sốt” vé liên tiếp. Đây không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho phim Việt Nam mà còn cho thấy nhu cầu thưởng thức, tiếp nhận các câu chuyện, những giá trị nhân văn về gia đình từ khán giả vẫn không hề suy giảm.
Điện ảnh về đề tài gia đình phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vị thế đã góp phần đưa khán giả trở về thói quen xem phim nội. Thành công này có được bởi các bộ phim được chăm chút kỹ lưỡng về kịch bản, nội dung. Những vấn đề xảy ra trong cuộc sống gia đình đưa lên phim không hề khiên cưỡng mà gần gũi, chân thực, xúc động. Đặc biệt, các đạo diễn luôn nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật, khai thác đề tài một cách linh hoạt, hấp dẫn, phản ánh hiện thực với màu sắc mới mẻ… Bên cạnh đó là các diễn viên diễn xuất tự nhiên, hóa thân trọn vẹn vào từng nhân vật; bối cảnh, công nghệ được đầu tư kỳ công.
Gia đình không phải là đề tài mới trong điện ảnh Việt Nam, tuy nhiên luôn là chủ đề hấp dẫn, giàu sức sống, dễ lôi cuốn khán giả. Để tiếp tục giữ sức hút với khán giả đòi hỏi những người làm phim phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. Mỗi bộ phim cần có sự chặt chẽ, hài hòa, chăm chút kỹ lưỡng ở nhiều yếu tố từ đạo diễn đến kịch bản, diễn viên, bối cảnh, truyền thông quảng bá…
Khán giả hiện nay đã có thị hiếu khác trước rất nhiều, đòi hỏi sự mới lạ, kịch bản luôn biến hóa. Vì thế, những đề tài truyền thống như gia đình cần phải có sự sáng tạo, đời thường, gần gũi để mỗi khán giả có thể thấy bóng dáng họ trong phim; tránh trùng lặp, nghèo nàn về ý tưởng, bù đắp bằng sự “ăn khách” của một số diễn viên nổi tiếng hoặc sa đà vào yếu tố câu khách dẫn đến sự lệch chuẩn trong văn hóa, đạo đức xã hội. Thực tế cho thấy, những bộ phim được đánh giá cao đều có nội dung nhân văn. Do đó, các thước phim không được tô vẽ, làm méo mó, sai lệch nền nếp, luân thường đạo lý, làm mất đi những giá trị của tình thân, gia đình.
Một bộ phim thành công, ngoài nội dung, kịch bản tốt, diễn xuất của diễn viên đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, diễn viên cần chuyên nghiệp hơn trong làm nghề, tìm hiểu và đầu tư công sức, kỹ năng diễn xuất; không ngừng học tập, bổ sung trình độ chuyên môn, vốn sống, sự trải nghiệm để nuôi dưỡng cảm hứng diễn xuất. Qua đó có thể chuyển tải nội dung kịch bản lên màn ảnh với những nhân vật sống động, ấn tượng, chạm đến trái tim khán giả.
Bên cạnh sự nỗ lực của giới làm nghề, sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý là rất cần thiết. Ngoài việc khuyến khích, tạo điều kiện để các tác giả sáng tác kịch bản hay về đề tài gia đình, cần có chiến lược đào tạo căn cơ nguồn nhân lực ngành Điện ảnh đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới. Song song với đó là có cơ chế giám sát và hỗ trợ sản xuất, phát hành phim, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho điện ảnh phát triển để ngày càng có nhiều bộ phim về đề tài gia đình hay, hấp dẫn.
Một kịch bản hay, gần gũi với cuộc sống, diễn viên, đạo diễn tâm huyết với nghề, luôn đổi mới, sáng tạo, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chắc chắn sẽ có thêm những bộ phim chất lượng về đề tài gia đình ra đời. Từ đây, tiếp tục giữ sức hút của phim Việt Nam đối với khán giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.