Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ phong tục đẹp ngày Tết Táo quân

Nguyễn Thanh| 03/02/2021 07:13

(HNM) - Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình lại tổ chức Tết ông Công, ông Táo (hay còn gọi là Tết Táo quân). Đây là một trong những nét văn hóa, phong tục đặc sắc được cộng đồng gìn giữ và phát huy gắn với việc nhắc nhở lẫn nhau thực hành nghi thức đúng mực, nêu cao ý thức bảo vệ môi trường.

“Thả cá, đừng thả túi ni lông“

Đi dọc cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) những ngày này có thể bắt gặp nhiều tấm biển mang dòng chữ “Ông Táo chỉ thích cá, không thích túi ni lông”, được treo dọc thành cầu. Đi kèm với những tấm biển trên là các vỏ bao tải, phục vụ người dân bỏ túi ni lông sau khi phóng sinh cá chép. Tương tự, nhiều khu vực trên cầu Long Biên (quận Long Biên) cũng đặt những tấm pano nhỏ nhắc nhở người dân nêu cao ý thức bảo vệ môi trường: “Thả cá, đừng thả túi ni lông”.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết: “Đây là việc làm rất văn minh và trách nhiệm của nhiều đoàn viên thanh niên. Hằng năm, cứ đến dịp này là các bạn lại ra quân nhắc nhở, vận động, hỗ trợ người dân thả cá, hóa vàng. Nhờ đó, tình trạng túi ni lông, cá chết nổi mặt sông được hạn chế rất nhiều”.

Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Keep Ha Noi Clean Bùi Ngọc Diệp, Câu lạc bộ là tập hợp những bạn trẻ yêu Hà Nội, mong muốn giữ gìn hình ảnh xanh, sạch, đẹp cho thành phố. Đây là năm thứ năm Câu lạc bộ vận động người dân gìn giữ vệ sinh môi trường ngày Tết ông Công, ông Táo. "Thành viên của Câu lạc bộ thường có mặt tại các cầu: Chương Dương, Nhật Tân, Đông Trù... để nhắc nhở, tuyên truyền mọi người bỏ túi ni lông vào nơi quy định sau khi phóng sinh cá", chị Bùi Ngọc Diệp chia sẻ.

Là nét đẹp trong ngày Tết ông Công, ông Táo, tục thả cá chép được thực hiện ngay sau lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời mang hàm ý phóng sinh, hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thực hành nghi thức này vẫn còn nhiều sai lệch, làm ảnh hưởng tới phong tục tốt đẹp, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này, các cấp chính quyền đã ban hành nhiều văn bản vận động người dân tham gia phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông. Nhiều tổ chức, cá nhân tình nguyện triển khai các chương trình tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn cảnh quan môi trường, kết hợp ra quân thu gom rác sau ngày Tết ông Công, ông Táo.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Ngọc Anh, nhằm nâng cao ý thức của người dân, tô thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cũng như góp phần xây dựng hình ảnh văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, ngày 28-1 vừa qua, UBND quận Hai Bà Trưng đã có Công văn số 123/UBND-TN&MT vận động toàn thể nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn không thả túi ni lông, các đồ thờ cúng và các vật dụng khác xuống sông, hồ, ao, mương gây ô nhiễm môi trường...

Bảo tồn nguyên bản ý nghĩa ngày Tết Táo quân

Theo quan niệm dân gian, ông Công, ông Táo là các vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống để cai quản chuyện nhà cửa, bếp núc ở nhân gian. Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các thần sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để báo cáo những việc tốt, xấu trong năm. Để tỏ lòng thành kính, hằng năm, cứ đến ngày này, nhà nhà lại làm lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời, với hàm ý kiểm điểm lại năm cũ và cầu mong một năm mới tốt đẹp hơn. Năm nay, Tết ông Công, ông Táo không vào ngày nghỉ, nên nhiều gia đình lựa chọn tổ chức vào chiều 22 tháng Chạp, thậm chí dịp cuối tuần trước đó.

Bà Nguyễn Thùy Linh (phường Quảng An, quận Tây Hồ) cho biết, gia đình bà tổ chức lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo vào chủ nhật vừa qua để mọi thành viên đều có thể tham dự. Vẫn là những đồ lễ truyền thống, gia đình không câu nệ cỗ bàn, lễ vật linh đình, cốt sao thành kính và ấm cúng. Còn ông Nguyễn Văn Dũng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Gia đình tôi đang chuẩn bị đón Tết ông Công, ông Táo đúng vào ngày 23 tháng Chạp. Nghe thông tin tuyên truyền từ báo, đài, cũng như qua vận động, nhắc nhở của địa phương, nhiều năm nay, gia đình tôi không mua sắm tốn kém, lãng phí. Vàng mã dâng cúng cũng chỉ mang tính tượng trưng”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, sức sống của truyền thống văn hóa phụ thuộc nhiều vào quá trình thực hành của mỗi người, góp phần bảo tồn nguyên vẹn ý nghĩa, giá trị tinh thần của phong tục. Nói cách khác, khi mỗi người đều hiểu và coi trọng giá trị tinh thần của phong tục, thực hành nghi lễ phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sẽ góp phần kết nối, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của truyền thống.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, với việc đẩy mạnh các giải pháp vận động, tuyên truyền, người dân Thủ đô ngày càng ứng xử văn minh hơn khi thực hành những phong tục truyền thống của dân tộc, qua đó giúp duy trì, nhân lên những nét đẹp văn hóa trong đời sống hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ phong tục đẹp ngày Tết Táo quân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.