Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị

Hà Phong| 10/04/2015 06:27

(HNM) - Ngày 9-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu, bổ sung vào dự thảo luật tính chất của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và quy định có tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này. Riêng nội dung cụ thể về cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, đặc thù áp dụng đối với từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập các đơn vị đó.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Đối với mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị, nông thôn, hiện có hai phương án. Phương án 1: Tất cả các đơn vị hành chính (quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013) đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND, nhưng làm rõ trong luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Phương án 2: Các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Qua thảo luận, UBTVQH nghiêng về phương án 1 vì bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; đồng thời, thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó và cũng phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị hiện nay của nước ta là ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện đều có tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội, tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan khác được tổ chức theo ngành dọc. Điều này có nghĩa, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị, nông thôn sẽ không thay đổi so với hiện nay.

Cùng ngày, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Quy định về số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ nhận được nhiều ý kiến góp ý. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị số lượng cấp phó phải quy định trong luật theo hướng: Ở cấp bộ và cơ quan ngang bộ, không quá 5 cấp phó, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (quy định không quá 6). Đối với cấp tổng cục, nên quy định cấp phó không quá 4, cấp cục không quá 3, cấp vụ không quá 2.

Tiếp đó, UBTVQH cho ý kiến, biểu quyết thông qua các tờ trình của Chính phủ về đề án thành lập thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) và thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.