(HNM) - Sau khi tổ chức chương trình "Giao lưu guitar Bắc - Nam" năm 2010, nghệ sĩ guitar Tuấn Khang trở về với công việc thường ngày của mình: chơi và dạy guitar. Anh cũng tổ chức một chương trình guitar vào 4 tối cuối tuần tại một không gian cà phê trên phố Khúc Hạo. Đó cũng là cách để nghệ sĩ này giữ lửa tình yêu guitar cho mình và các bạn trẻ.
Nghệ sĩ Tuấn Khang. |
Duy trì biểu diễn guitar đều đặn vào các tối cuối tuần không phải là một điều dễ, thế mà Tuấn Khang đã làm được hơn 8 tháng. Hiện có hai nhóm thay nhau chơi luân phiên: nhóm "Acoustic Wave" (thuộc nhóm guitar đường phố "Sign In") chơi các tối thứ năm, thứ bảy và nhóm "Magnet Band" (do Duy Tùng - giải nhất chương trình "Let Get Loud" đứng đầu) chơi các tối thứ sáu và chủ nhật. Nhưng chương trình thường có sự thay đổi cho đỡ nhàm chán, sau 3 tháng sẽ đổi phong cách một lần: ban đầu là cổ điển, flamenco và giờ là acoustic. Thời điểm này, chơi guitar theo phong cách acoustic cũng là hợp lý, bởi acoustic đang thịnh hành, được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Các chương trình thường kéo dài 90 phút, trong đó ban nhạc chơi khoảng 45 phút, thời gian còn lại để giao lưu, chơi theo yêu cầu khán giả, đôi khi là dành cả sân khấu cho những khán giả chơi đàn hay biểu diễn. Thỉnh thoảng nơi đây lại tổ chức các chương trình theo chủ đề hoặc mời các nghệ sĩ guitar nổi tiếng biểu diễn. Trong những tối có nghệ sĩ guitar tài năng tới chơi thì số khán giả rất đông và chương trình thường kéo dài tới quá 23h.
Nghệ sĩ guitar Tuấn Khang cho biết, anh không có ý định xây dựng nơi đây thành một sân chơi guitar chuyên nghiệp, mà chỉ mong muốn là điểm đến của những người yêu guitar. "Thiết kế một không gian âm nhạc cho guitar rất khó. Tôi muốn nơi đây là một tụ điểm giải trí cho những người đam mê và theo đuổi guitar. Các chương trình sẽ được dàn dựng đúng theo "gu" giải trí của Hà Nội: trẻ mà không rẻ tiền", anh chia sẻ. Nghệ sĩ Tuấn Khang cũng tự mình đi xem, nghe nhiều chương trình guitar của các cá nhân, nhóm nhạc. Anh để ý và lựa chọn những nhóm trẻ, có nhiệt huyết và mời tới chơi trong không gian của mình. Ở đây, "ông chủ" không ép họ phải biểu diễn theo ý mình mà chỉ nêu tiêu chí và định hướng. Chi tiết nội dung cho từng buổi diễn, các nhóm nhạc tự dàn dựng. Khi được hỏi về vấn đề tài chính, Tuấn Khang cho biết, anh không trông mong lời lãi từ việc tổ chức các chương trình này, mà cốt yếu là được chơi, để cho các bạn trẻ yêu guitar có nơi biểu diễn thường xuyên, có nơi thưởng thức.
Song song với duy trì không gian guitar này, Tuấn Khang vẫn đang chuẩn bị cho một chương trình guitar lớn và chuyên nghiệp hơn. Anh bật mí, "Chương trình Guitar Bắc - Nam" sẽ trở lại vào tháng 5 tới, hoành tráng và quy củ hơn, bởi "lần này đã có đơn vị đứng ra tổ chức, tôi chỉ làm công tác sản xuất, đạo diễn chương trình thôi".
Trong khi chờ những sân khấu chuyên nghiệp cho guitar, thì không gian cà phê - nơi biểu diễn guitar vào các tối cuối tuần này là cầu nối để giữ lửa cho phong trào và sự chuyên nghiệp. Hà Nội đã có những phòng trà hát nhạc xưa, những câu lạc bộ jazz và nay cần có những câu lạc bộ guitar như thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.