(HNM) - Gần đây, cùng với việc xuất hiện những cây bút nhỏ tuổi đam mê văn chương, dịch thuật, người ta hay bàn đến việc làm sao "giữ lửa" cho những tài năng mới hé lộ này. Ấy nhưng, việc này chẳng hề dễ dàng…
Một cậu bé 10 tuổi viết tiểu thuyết, ngay lập tức ngoài lời khen, động viên cũng đã có lời đồn thổi rằng tác phẩm không phải do em viết, hoặc có người can thiệp hỗ trợ... Không bàn đến chuyện "đúng", "sai", ở đây có một thái độ ứng xử phải cùng nhau chia sẻ. Bất cứ một nhận xét thiếu căn cứ nào cũng có thể làm tổn thương người khác. Nhất là với một đứa trẻ thì càng phải thận trọng. Những người đã tiếp xúc với những cây bút nhỏ tuổi, dễ nhận thấy trẻ làm thơ, viết tiểu thuyết, dịch sách… giống như một trò chơi vậy. Nguyễn Bình sáng tác tiểu thuyết cũng giống như gập máy bay, Đỗ Nhật Nam học tiếng Anh, viết luận, dịch sách… từ những tò mò thường nhật và qua các trò chơi với cha mẹ…
Một lẽ thường thấy, những bậc phụ huynh hiểu biết cũng không bao giờ chọn cách đánh đổi sự hồn nhiên trong trẻo của tuổi thơ để bắt con "làm người nổi tiếng".
Còn nhớ, trong một lần trao giải thưởng cuộc Vận động sáng tác văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Đan Mạch và NXB Kim Đồng thực hiện), Hội đồng giải thưởng không khỏi băn khoăn. Cây bút nhỏ tuổi dự kiến sẽ nhận giải cao nhất lại là con gái một nhà văn viết cho thiếu nhi cũng từng giành giải này năm trước. Cuối cùng, cô bé vẫn được trao giải. Lý do mà một nhà văn nêu ra rất giản dị: Người lớn không thể viết được như vậy. Chỉ có trẻ em mới có được giọng điệu, trí tưởng tượng phong phú, đặc trưng đến thế.
Có lẽ cùng một suy nghĩ, nên nhà văn Chu Lai viết lời bạt cho tập thứ hai của tiểu thuyết "Cuộc chiến với hành tinh Fantom": "Các con chữ mặc sức tung tẩy, phóng cuồng, tự nhiên mà dầu có ai tài năng trác việt đến mấy cũng khó mà có thể viết được. Bởi mọi sự vật, câu chuyện, con người đều được tác giả soi rọi, ngắm nghía qua một đôi mắt trong veo, thần sắc". Ông cũng coi hiện tượng này là "một đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học để tôn vinh tài năng, để khẳng định năng lượng của con người… và qua đó, xã hội sẽ tìm được cách nhìn nhận, đối xử với nó như thế nào".
Phát lộ sớm tài năng, tự thân trong mỗi đứa trẻ đã có một cuộc tự điều chỉnh để được bộc lộ mình mà vẫn không mất đi nhịp sống tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo. Rồi đây, sẽ có người tiếp tục gặt hái thành công, cũng sẽ có nhiều em chuyển hướng… Không sao cả, chỉ có điều, đó phải là một hành trình tự nhiên, được dẫn dắt bằng niềm say mê của trẻ.
Muốn được như thế, hẳn là phải phát quang lối đi, bỏ bớt những kỳ vọng "đóng đinh" vào đứa trẻ, cùng những đồn thổi không căn cứ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.