Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ lấy sắc phong

Người Lái Đò| 06/02/2011 07:20

(HNM) - Nhờ có các sắc phong mà mới đây, chúng ta biết rõ hơn về Hải đội Hoàng Sa dưới triều Nguyễn. Cũng nhờ sắc phong mà nhiều điểm mờ trong sử được sáng tỏ. Sắc phong dưới các triều đại phong kiến Việt Nam là văn bản phong chức tước cho quý tộc, các quan, phong thần và xếp hạng cho các vị thần thờ trong đình, đền, miếu...

(HNM) - Nhờ có các sắc phong mà mới đây, chúng ta biết rõ hơn về Hải đội Hoàng Sa dưới triều Nguyễn. Cũng nhờ sắc phong mà nhiều điểm mờ trong sử được sáng tỏ. Sắc phong dưới các triều đại phong kiến Việt Nam là văn bản phong chức tước cho quý tộc, các quan, phong thần và xếp hạng cho các vị thần thờ trong đình, đền, miếu... Vì sắc phong thể hiện rõ thời gian, địa phương hay con người cụ thể nên được coi là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử, tín ngưỡng dân gian, hệ thống hành chính của các triều đại, địa danh...

Thời thuộc Pháp, Trường Viễn Đông Bác Cổ đã thu thập rất nhiều văn tự bằng chữ Hán và chữ Nôm, các bản dập bia ở các chùa, miếu, đền... trên cả nước, đặc biệt là ở Bắc bộ. Nguồn tư liệu đó đã giúp các nhà nghiên cứu ở Viễn Đông Bác Cổ có cái nhìn chính xác hơn về các mặt trong đời sống xã hội trước đó. Tuy nhiên, dường như họ không có thời gian để đụng đến sắc phong. Cách đây ngót chục năm, Quỹ Văn hóa Thụy Điển - Việt Nam của Chính phủ Thụy Điển đã tài trợ để điều tra và đánh giá vốn quý này. Những người tham gia dự án đã giật mình khi thấy số sắc phong hiện do các cơ quan nhà nước lưu giữ đang đứng trước nguy cơ bị mục nát, mối xông, chuột cắn... do không được bảo quản cẩn thận. Còn không ít sắc phong nằm trong các gia đình, dòng họ, chùa... đang ở ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước, không rõ được giữ gìn, bảo quản thế nào, còn hay mất. Năm 2008, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tiếp nhận 10 sắc phong (phần lớn của Triều đình nhà Nguyễn) từ các du khách người Mỹ thông qua ông Trịnh Bách, một họa sỹ Việt kiều ở Mỹ. Những sắc phong này do các du khách mua từ Mỹ, rồi trao lại cho ông. Dù giá trị kinh tế của các sắc phong không lớn nhưng thực tế trên cho thấy, tình trạng mua bán sắc phong đã và đang diễn ra âm thầm. Một số chạy vào các bộ sưu tập cá nhân, số khác lại chạy ra nước ngoài. Cách đây 6 năm, nhà văn hóa Hữu Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - GS Phan Huy Lê, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Thư viện Quốc gia - Phạm Thế Khang đã cùng nhau viết thư ngỏ kêu gọi giữ lấy sắc phong.

Hy vọng cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp thiết thực để giữ gìn sắc phong cho các đời sau, đừng để con cháu chúng ta trách thế hệ trước đã thơ ơ với di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ lấy sắc phong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.