(HNM) - Di sản văn hóa cha ông để lại có giá trị lớn về vật chất và tinh thần, nhưng dường như mới chỉ được tôn trọng và bảo vệ trong khung kính, mấy ai đã biết phát huy, thổi hồn, cách điệu để di sản bước vào cuộc sống đương đại, biến nó thành yếu tố cần thiết để khẳng định bản sắc Việt.
Mẫu ghế được thiết kế theo hoa văn rồng thời Lý. |
Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng, người sáng lập Hội quán Di sản kể rằng, trong quá trình điền dã, đến bất cứ làng nghề nào, ví dụ nơi chuyên sản xuất đồ nội thất như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định), Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội), thì đồ thuần Việt hoặc sử dụng họa tiết, hoa văn của người Việt trong sản phẩm rất ít.
Tìm trên mạng, từ khóa “Đồ gỗ Việt Nam”, cũng thấy các sản phẩm ghế, bàn, tủ, đồ thờ… khoác trên mình không phải màu sắc văn hóa Việt. Khi đặt câu hỏi với những người thợ, họ nói đã rất lâu không còn tự thiết kế hoặc làm theo lối truyền thống mà sản xuất theo đơn đặt hàng, với thiết kế có sẵn. Tình trạng ấy cũng xảy ra nhiều trong những thiết kế mỹ thuật như đồ trang sức, quà tặng lưu niệm, trang phục, gia dụng…
Trong cuộc tọa đàm tổ chức vào tuần qua với chủ đề “Mỹ thuật truyền thống ứng dụng vào sản phẩm công nghiệp”, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh: “Chúng ta nói nhiều về việc gìn giữ văn hóa, di sản cha ông, điều đó không có nghĩa là chỉ tìm hay tái hiện để nhìn ngắm mà phải biết kế thừa, nối dòng. Trong mỹ thuật cũng vậy. Những họa tiết, hoa văn, kiến trúc cổ không bị mai một khi được sử dụng sáng tạo và biến hóa trong các sản phẩm phục vụ cuộc sống hiện nay".
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Mỹ thuật Công nghiệp, thì đây là trường đào tạo ngành thiết kế ứng dụng lớn nhất cả nước. Các sinh viên thường được thực tập, điền dã tại các làng quê, khu di tích, khảo cổ để lấy dữ liệu và cảm hứng ứng dụng sáng tạo sản phẩm. Tuy nhiên, đây không phải là lực lượng chính để sản xuất ra các sản phẩm mỹ thuật công nghiệp có trên thị trường.
Vì vậy, nhà trường có định hướng là để bảo lưu vốn truyền thống thì phải hợp tác đào tạo với các làng nghề. Qua một số khóa đào tạo về thẩm mỹ, ứng dụng những nét truyền thống vào sản phẩm gốm sứ ở làng nghề Bát Tràng (Hà Nội) nhà trường nhận thấy con em nghệ nhân - chủ nhân của những sản phẩm mỹ thuật công nghiệp, tỏ ra hào hứng và bắt tay vào những sáng tạo riêng. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng, di sản văn hóa Việt có những đường nét, chi tiết mang tâm hồn người Việt, nên khi có sự “gặp gỡ” dễ dàng tạo ra những sản phẩm phù hợp với đời sống.
Tại triển lãm “Di sản Việt Nam - Một góc nhìn mới” vừa diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, các kiến trúc sư và nhà thiết kế của Hội quán Di sản và Circle Group phần lớn là những người trẻ đã giới thiệu nhiều thiết kế mới lấy cảm hứng từ yếu tố mỹ thuật truyền thống: Pho tượng Phật thu nhỏ, tượng danh nhân…, ghế thiết kế phong cách thời Lý, Trần, Mạc, Lê… khiến người xem ngạc nhiên bởi những họa tiết, hoa văn thuần Việt được sử dụng, rất hiếm thấy trong cuộc sống.
Nhà thiết kế Cao Lâm - thuộc thế hệ 9X, đang thực hiện đồ án “Ghế Việt Nam qua các triều đại” cho rằng: Có những lĩnh vực rất dễ đưa vốn cổ mỹ thuật vào thiết kế như đồ trang sức (hoa tai, dây chuyền, đồng hồ)… Còn thiết kế nội thất như bàn, ghế, tủ… ứng dụng hoa văn, họa tiết cổ khó hơn, vì yêu cầu về thiết kế tiện sử dụng. Nhưng nếu đầu tư nghiên cứu, sáng tạo thì nhiều sản phẩm có thể đưa vào sản xuất hàng loạt, được ưa chuộng.
Họa sĩ Nguyễn Quang Đức cho rằng, nhu cầu ứng dụng yếu tố truyền thống trong mỹ thuật hiện đại có nhiều. Chẳng hạn một bộ phim chúng ta làm tốn kém hơn các quốc gia khác nhiều vì không có ngành công nghiệp điện ảnh với những làng sản xuất đạo cụ, khai thác chi tiết đặc trưng từng thời kỳ...
Đã có những thử nghiệm thành công để đưa di sản vào cuộc sống đương đại qua các thiết kế mỹ thuật công nghiệp, nhu cầu của đời sống cũng có. Cái cần thiết hiện nay là một chủ trương tổng thể và mạnh mẽ để tỏ rõ truyền thống Việt, ngay trong đời sống hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.