(HNM) -
Bà Nguyễn Thị Nhung vẫn cần mẫn giữ nghề truyền thống. |
Cần mẫn với nghề truyền thống
Ngày nào cũng vậy, từ 5h sáng, bà Nguyễn Thị Nhung ở khối Độc Lập (phường Vạn Phúc) đã thức giấc bắt tay vào công việc, đến khi trời tối hẳn mới dứt tiếng thoi đưa. Căn nhà mới xây 4 tầng khang trang được dành phần lớn để đặt máy dệt, máy guồng tơ, chỉ để một tầng làm chỗ ở cho cả gia đình... Gắn bó với nghề dệt từ năm 13 tuổi, đến nay bà đã 60 tuổi nhưng vẫn cùng chồng là nghệ nhân Nguyễn Văn Chính cần mẫn giữ nghề, bảo tồn, phát triển hàng chục mẫu lụa vân độc đáo...
Ở cùng khối Độc Lập với bà Nhung, anh Nguyễn Anh Sơn là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất làng khi mới ở tuổi ngoài bốn mươi. Nếu như bà Nhung có thế mạnh làm hàng lụa vân thì anh Sơn lại chuyên làm hàng đũi, sa tanh. Gắn bó với nghề, anh Sơn đã có sáng kiến nhuộm màu tơ dọc, tơ ngang trước khi dệt, nhờ vậy mà khi giặt, lụa không bị phai màu. Hiện, gia đình anh đang có 6 máy dệt, mỗi ngày dệt được khoảng 20m lụa cao cấp.
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết, hiện cả làng Vạn Phúc có 164 hộ với 265 máy dệt đang hoạt động. Trong đó, có 34 gia đình nghệ nhân và thợ giỏi có trình độ dệt lụa tinh xảo vẫn sản xuất và tiêu thụ ổn định. Lụa Vạn Phúc nổi tiếng trong nước và quốc tế bởi vẻ đẹp đặc biệt với rất nhiều mẫu: Gấm, vóc, vân, the, lĩnh, sa, đũi... Trong đó, nổi tiếng nhất là lụa vân với hàng chục mẫu khác nhau - đây là loại lụa mà hoa văn được dệt nổi và chìm trên mặt lụa mượt, có đặc điểm ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Từ năm 1931, lụa Vạn Phúc đã được giới thiệu tại các hội chợ ở Pháp và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm “Đệ nhất tinh xảo” của vùng Đông Dương. Từ năm 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu và sau này mở rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, lụa Vạn Phúc được dệt từ 100% tơ tằm và lụa tơ tằm pha tơ bóng tùy theo tỷ lệ mà có giá thành cao - thấp khác nhau, tỷ lệ tơ tằm càng nhiều thì giá càng cao. Ngoài ra, còn theo độ "kỹ", "độc", lạ... của sản phẩm. Do phải qua nhiều công đoạn dệt thủ công, nên giá thành mỗi mét vải lụa Vạn Phúc cũng khá cao, từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/mét.
Cần chiến lược về chất lượng, thương hiệu
Là một làng nghề phát triển lâu đời, nhưng hiện nay Vạn Phúc cũng đang đối mặt với không ít khó khăn khi số hộ làm nghề, số máy dệt đang ngày một giảm. Theo ông Phạm Khắc Hà, thời kỳ cao điểm cả làng Vạn Phúc có khoảng 2.000 hộ làm nghề dệt với hơn 1.000 máy; nay chỉ còn 164 hộ với 265 máy dệt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghề dệt giảm mạnh, trong đó chủ yếu do sau khủng hoảng, kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm, đã tác động trực tiếp đến sản xuất của làng nghề. Nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Nếu như trước đây, khắp các bãi ven sông Hồng, sông Tích, sông Đáy là những bãi dâu ngút ngàn, nghề chăn tằm phát triển, tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho làng nghề thì giờ chỉ còn rất ít nơi trồng dâu, nuôi tằm. “Để có nguyên liệu sản xuất tôi phải nhập tơ từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) và nhiều tỉnh thành khác. Năm 2014, giá tơ chỉ 1,1-1,4 triệu đồng/kg thì hiện nay đã lên tới 1,5-1,7 triệu đồng/kg (tùy từng loại). Trong khi đó, sản xuất thủ công năng suất thấp đã đẩy giá thành lên cao, sức cạnh tranh kém” - bà Nguyễn Thị Nhung chia sẻ. Không chịu được sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều hộ bỏ nghề dệt, chuyển sang xây nhà cho thuê hoặc làm kinh doanh, dịch vụ...
Còn theo anh Nguyễn Anh Sơn, máy móc sản xuất của các hộ gia đình đều hết sức thô sơ, lạc hậu nên năng suất thấp. Anh cho biết: “Gia đình tôi có 6 máy dệt và các máy mắc cửi do cha, chú để lại từ năm 1975 đến nay vẫn sử dụng, chưa được cải tiến nhiều. Tương tự, với khâu nhuộm vải vẫn làm thủ công. Khi có khách đặt đơn hàng lớn, gia đình không dám nhận vì phải nhuộm nhiều lần, màu sắc sẽ không đồng nhất...”.
Hiện nghề dệt lụa truyền thống ở Vạn Phúc đang đứng trước nguy cơ mai một khi nghề không đủ sức hấp dẫn lớp trẻ. Những lao động đang theo nghề dệt chủ yếu đều đã lớn tuổi. Trong khi đó, không chỉ lụa Vạn Phúc mà lụa Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn khi sản lượng giảm và giá thành cao hơn so với hàng nhập ngoại. Có thể từ nguyên nhân này dẫn đến một số người kinh doanh lụa vì lợi nhuận trước mắt nên đã "trà trộn" thêm sản phẩm từ nước ngoài hoặc các sản phẩm khác vào sản phẩm của làng nghề. Mới đây, vụ nhãn hiệu Khaisilk trà trộn khăn lụa xuất xứ Trung Quốc khiến người tiêu dùng bức xúc, nghi ngại... Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng "đây là một sự việc đáng buồn và ảnh hưởng lớn đến sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam. Vụ việc gian lận thương mại của Khaisilk là lời cảnh tỉnh cho các làng nghề, nghệ nhân trong việc bảo đảm chất lượng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm làng nghề hiện nay".
Ông Nguyễn Văn Dự, Bí thư Đảng ủy phường Vạn Phúc cho biết, với việc bảo vệ thương hiệu, Vạn Phúc đã có “Trung tâm Kinh doanh lụa Vạn Phúc chất lượng cao”, quy định tất cả các hộ kinh doanh trong khu trung tâm phải bán 100% lụa Vạn Phúc. Thương hiệu “Lụa Hà Đông” đã được UBND quận Hà Đông hỗ trợ kinh phí để gắn lên mép biên của sản phẩm. Bên cạnh đó, Hiệp hội Làng nghề của phường và chính quyền địa phương thường xuyên vận động, khuyến cáo các hộ kinh doanh lụa phải công khai, minh bạch rõ nguồn gốc, xuất xứ và giá cả của từng loại sản phẩm để khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu...
Ngoài nỗ lực gìn giữ, phát triển của làng nghề để giữ nghề, lụa Vạn Phúc nói riêng và ngành tơ lụa nói chung đang rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa: Nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa; đồng thời, có chiến lược giữ các vùng trồng dâu; đầu tư nghiên cứu các giống tằm chất lượng cao; thúc đẩy đổi mới công nghệ, máy móc ươm tơ để tạo ra sản phẩm tơ chất lượng cao hơn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.