Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ gìn kho tri thức vô giá

Bài và ảnh: DIÊN KHÁNH| 19/06/2023 06:10

(HNNN) - Mỗi tờ báo cũ đều có thân phận riêng. Trong dòng chảy sôi động của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là thời kỳ báo điện tử phát triển, một số nhà sưu tầm đã dày công gìn giữ những tờ báo cũ để làm tư liệu nghiên cứu, lưu giữ ký ức. Đây thực sự là kho tri thức vô giá.

Nhà sưu tầm Tạ Thu Phong.

Những “nhân chứng” lịch sử

Ở Hà Nội, cái tên Tạ Thu Phong khá nổi tiếng không chỉ trong giới báo chí bởi anh đã dày công sưu tầm nhiều loại báo, tạp chí có giá trị. Trong thư viện gia đình ở ngõ 465 Ngọc Thụy (quận Long Biên), anh Phong trưng bày, lưu giữ hơn chục nghìn tư liệu quý hiếm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có rất nhiều sách, báo cũ mang giá trị lịch sử về Hà Nội.

Sinh năm 1974, Tạ Thu Phong sưu tầm báo từ thời sinh viên vì đam mê đọc. Thêm nữa, anh mê mẩn những họa phẩm trên báo xuân, báo Tết. “Những trang bìa, tranh minh họa trên báo trước đây rất đẹp. Từ những năm 1930, các họa sĩ tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái... đều có tác phẩm vẽ cho báo” - anh Phong chia sẻ.

Trong quá trình sưu tầm báo cũ, anh Phong đã nhận ra nhiều điều mà trước đó anh chưa từng nghĩ đến. Chẳng hạn như thông tin vụn vặt hằng ngày nhưng mang tính sự kiện rất cao. Khi chắp nối các thông tin này, có thể hình dung phần nào sự biến chuyển của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới trong từng giai đoạn lịch sử. Tạ Thu Phong cho rằng, thông tin trên báo chí mang tính thời sự cao và rất đặc thù mà chúng ta khó có thể tìm được trong các cuốn sách. Bởi vậy, việc sưu tầm những tờ báo cũ không chỉ nhằm lưu trữ, bảo quản hiện vật mà còn có tác dụng phát hiện, tìm kiếm một cách tương đối chính xác các sự kiện diễn ra trong quá khứ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trước. Kho sưu tầm của anh Phong không chỉ giúp bạn đọc tìm kiếm thông tin bổ ích và phản ánh tương đối chính xác những sự kiện diễn ra trong quá khứ, mà có thể thấy được lịch sử hình thành và phát triển của báo chí qua từng giai đoạn, thấy được sự biến thiên và phát triển của ngôn ngữ văn chương, báo chí qua từng thời kỳ, qua đó có cái nhìn sâu sắc hơn về quá trình hình thành và phát triển của báo chí nước nhà. Anh Phong chia sẻ: “Trong quá trình sưu tầm báo chí, tôi đã từng chứng kiến có người rơi nước mắt khi cầm tờ báo đăng bài viết, thông tin quảng cáo về hiệu buôn của ông cha mình khi trước. Có người run run khi cầm tờ báo có bài viết của chính mình cách đây mấy chục năm. Sự xúc động này đôi khi thật khó có thể diễn tả thành lời”.

Cũng giống như Tạ Thu Phong ở Hà Nội, tại thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định), doanh nhân Nguyễn Phi Dũng cũng nổi tiếng với việc lưu trữ báo giấy. Bộ sưu tập của ông được giới sưu tầm đánh giá cao bởi số lượng “khủng” cả về chất và lượng. Thừa hưởng đam mê sưu tầm báo chí từ người cha, đến nay, kho lưu trữ của ông Dũng lên đến 20 tấn. Trong “gia tài” của ông có những tờ báo đầu tiên xuất bản ở Việt Nam, bằng tiếng Việt, như Gia Định báo (xuất bản số đầu tiên năm 1865 ở Sài Gòn), Phụ nữ tân văn (xuất bản số đầu năm 1929 ở Sài Gòn)… Bên cạnh đó còn có những tờ báo cách mạng thời kỳ đầu như Cứu Quốc, Độc Lập, Cờ Giải Phóng, Lao Động, Vui Sống…; những tạp chí văn hóa, văn học nổi tiếng một thời như Phong Hóa, Ngày Nay, Nam Phong. Ông Nguyễn Phi Dũng tâm sự: “Trước hết, các ấn phẩm báo chí cho ta biết được trình độ công nghệ in ấn, chất liệu giấy qua các thời kỳ; cho ta biết hình thức, nội dung, chủ bút, chủ tòa soạn của các đầu báo, đặc biệt cho ta thông tin chính xác, trung thực tại thời điểm báo phát hành. Các ấn phẩm như nhân chứng lịch sử trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, luật pháp, địa lý”.

Ông Nguyễn Phi Dũng chia sẻ về thú sưu tầm báo xưa.

Sẵn sàng chia sẻ

Có một thực tế là người sưu tầm sách thì nhiều nhưng người sưu tầm báo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài ông Nguyễn Phi Dũng và anh Tạ Thu Phong, ở tỉnh Thanh Hóa có ông Nguyễn Hữu Ngôn, thành phố Hồ Chí Minh có ông Huỳnh Minh Hiệp, tỉnh Long An có ông Đinh Xuân Hình. Họ là những người có hàng chục năm sưu tầm báo xưa, trong đó có nhiều ấn phẩm có bề dày truyền thống, hiện vẫn đang phát triển như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết và các tờ báo Đảng ở địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Ngôn (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vốn là cộng tác viên của nhiều tờ báo ở Trung ương và địa phương. Trước đây, trong quá trình lưu giữ các tờ báo có đăng bài mình viết, ông đã nghĩ đến việc tìm kiếm, lưu giữ những tờ báo cũ. Ông Ngôn tâm sự: “Tôi hiện giữ tờ Nhân Dân số 5621 ra thứ sáu ngày 5-9-1969, hay tờ Người giáo viên Nhân dân số 318 ra ngày 25-9-1969… và nhiều tờ ở các năm tiếp theo”.

Ông Huỳnh Minh Hiệp (quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh) hiện sở hữu 500 tờ báo được in từ trước năm 1975, trong đó có khoảng 100 tờ có tuổi đời hơn 90 năm. Suốt hơn 20 năm qua, ông Hiệp không ít lần lặn lội đến các tỉnh, thành phố để sưu tầm báo. Có hai tờ báo mà ông sưu tầm ở Trà Vinh, gồm tờ Văn Minh và tờ Trung Lập. Đây là hai đầu báo nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ, phát hành năm 1927. Với bộ sưu tập báo xưa, ông Huỳnh Minh Hiệp hy vọng sẽ lưu giữ được những giá trị văn hóa của người Sài Gòn nói riêng và tiếng nói dân tộc nói chung. Đồng thời, ông cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho các bạn sinh viên ngành báo chí, các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu về báo chí Sài Gòn trước năm 1975.

Trong quá trình sưu tầm mấy chục năm, các nhà sưu tầm nhận thấy những tờ báo xưa cũ dường như đều có thân phận riêng. Những tờ báo đó đã lưu lạc trong cả chiều dài lịch sử hàng thế kỷ, qua tay không biết bao nhiêu người và chứa đựng biết bao thông tin từ quá khứ. Bởi vậy, khi nâng niu những tờ báo đó trên tay, các nhà sưu tầm cảm thấy sức nặng của thời gian, của lịch sử và thấy cần phải lưu giữ, bảo quản chúng. Điều mà các nhà sưu tầm mong muốn không chỉ là lưu giữ những ấn phẩm của cha ông, mà còn giúp mọi người có cảm giác được chạm tay vào quá khứ. Như ông Nguyễn Phi Dũng cho hay: “Qua kho sưu tầm, tôi muốn chia sẻ thông tin, cung cấp thông tin cho cộng đồng, trong đó có các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm. Mong rằng mọi người có thói quen lưu giữ báo giấy để phục vụ cho công việc tra cứu, tìm hiểu quá khứ của các thế hệ sau”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn kho tri thức vô giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.