(HNM) - Cây sâu mục bên trong, rễ bị thối, mưa, nền đất yếu, gió lớn do hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi nhiều nhà cao tầng ở khu vực đô thị... là những yếu tố đe dọa đến sự an toàn của hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão. Để chủ động bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, việc kiểm tra, rà soát, cắt sửa cây phòng mưa, bão đã và đang được các đơn vị quản lý, duy tu, duy trì hệ thống cây xanh triển khai. Ngoài ra, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội còn lên phương án bảo vệ cây di sản, cây lâu năm có giá trị đặc biệt.
Chủ động cắt sửa cây
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 211.470 cây bóng mát, trong đó khu vực 12 quận có 149.075 cây, với các loài chủ yếu: Xà cừ (khoảng 8.000 cây); phượng (khoảng 12.500 cây); muồng (khoảng 7.000 cây); sấu (khoảng 22.000 cây); bằng lăng (khoảng 13.500 cây)... Trong số này, có khoảng 20% cây bóng mát có tuổi đời 80-100 năm.
Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, hạn chế tình trạng cây đổ, cành gãy, hằng năm, Sở Xây dựng đều giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiện trạng toàn bộ hệ thống cây bóng mát đang quản lý; lập biên bản thống nhất khối lượng và cắt tỉa ngay đối với các cây nặng tán, cây cao, lệch tán, cành vươn, cây có cành khô và chặt hạ các cây chết, sâu mục, nghiêng nguy hiểm có nguy cơ gây mất an toàn trên các tuyến phố đồng thời, gia cố cọc chống cây mới trồng.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thông tin, việc đánh giá hiện trạng và cắt tỉa cây bóng mát được triển khai từ quý III, IV-2021 và quý I, II-2022. Các loại cây được ưu tiên cắt tỉa là: Xà cừ, muồng, phượng, lát hoa, bạch đàn, bằng lăng, sếu... có đường kính và chiều cao lớn, dễ bị gãy đổ khi gặp mưa, bão nếu nặng tán, lệch tán, cành vươn. Đặc biệt, các cành sâu mục, cành khô, cây che đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, cản trở tầm nhìn giao thông sẽ được cắt tỉa và xử lý ngay sau khi rà soát.
Là đơn vị được giao duy tu, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn 12 quận và các tuyến đường: Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho hay, qua rà soát, dự kiến đơn vị cắt tỉa khoảng 124.980 cây bóng mát trong năm 2022; trong đó cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá khoảng 109.300 cây; cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao khoảng 15.670 cây. Đơn vị ưu tiên xử lý ngay những cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, cây có cành vươn, cành khô, sâu mục...
Hạn chế thấp nhất thiệt hại
Thông tin về kết quả cắt sửa cây phòng mưa, bão năm 2022 đến ngày 14-6, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật cho biết, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã cắt sửa 28.753 cây. Tại khu vực các huyện và thị xã Sơn Tây, các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh đã cắt sửa 19.491 cây.
“Hiện nay, các đơn vị đã lên kế hoạch, tập trung lực lượng cắt tỉa đối với số cây phòng bão còn lại để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, thời gian hoàn thành trong quý II-2022. Theo đó, khi vào mùa mưa bão, hệ thống cây bóng mát trên nhiều tuyến phố cơ bản được cắt tỉa nhẹ tán, thưa tán, làm thấp tán và hạ độ cao. Với các tuyến đường mà hệ thống cây chưa thực sự nặng tán, nguy hiểm, sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá và thực hiện trong quý III, IV-2022 nếu cần”, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Trần Anh Tuấn thông tin.
Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Lê Văn Du, cây xanh bị gãy, đổ thường là cây bị sâu mục gốc, thân, cành; cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa. Những năm gần đây, thành phố đầu tư nhiều trang thiết bị, như: Xe nâng, xe cẩu, máy nghiền cành củi, xe vận chuyển, cưa máy... cũng như chủ động cắt sửa cây quanh năm nên hiện tượng cây đổ, cành gãy, nhất là trong mùa mưa bão đã giảm rất nhiều.
Mặc dù hệ thống cây xanh được kiểm tra, rà soát để cắt sửa hằng năm, tuy nhiên, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Trần Anh Tuấn cũng thừa nhận, nhiều trường hợp rất khó phát hiện bằng mắt thường, như cây bị sâu mục bên trong thân; cây bị xâm hại, chặt rễ khi thi công làm đường, lát hè hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế, rễ cây không phát triển được... Trường hợp cây đa búp đỏ bị gãy đổ tại dải phân cách trên đường Võ Chí Công rạng sáng 13-6 mới đây là trường hợp như vậy (nguyên nhân do sâu mục bên trong thân cây). Ngoài ra, gió lớn do hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi nhiều bê tông, nhiều nhà cao tầng ở khu vực đô thị cũng là yếu tố đe dọa sự an toàn của hệ thống cây xanh.
Để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, cũng như góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, theo lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, cần thiết phải xây dựng đề án bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh. Trong đó, có phương án chăm sóc đặc biệt các cây di sản, “có tuổi” (cây có đường kính trên 50cm); nên xem xét thu hồi, thay thế cây già cỗi nguy hiểm, cây có tuổi thọ ngắn (phượng, muồng - tuổi thọ trung bình 40-50 năm). Đồng thời, xem xét đưa công nghệ mới (máy siêu âm, khoan rút lõi…) để phát hiện cây nguy hiểm khó phát hiện bằng cảm quan, từ đó chủ động chặt hạ nhằm bảo đảm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.