(HNM) - UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND về triển khai thực hiện Công văn số 1676/TTg-NC ngày 30-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ (về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dư luận đánh giá những giải pháp phòng, chống tội phạm được nêu trong kế hoạch là cần thiết, kịp thời nhằm tiếp tục giữ gìn sự bình yên cho Thủ đô.
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung:
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị
Cùng với tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, quận Hai Bà Trưng còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, gắn với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm. Nhờ vậy, quận luôn giải quyết kịp thời, triệt để khiếu nại, tố cáo, không để phức tạp kéo dài, phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Triển khai Kế hoạch số 101/KH-UBND, bên cạnh quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở, tập trung giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân (nếu có), quận sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, lồng ghép các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư; từ đó, tạo dựng nếp sống văn minh đô thị, giảm tội phạm, góp phần giữ bình yên cho từng địa bàn dân cư.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy:
Góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Nhờ xác định rõ công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên thực hiện để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nên huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tội phạm về tận cơ sở thôn, tổ dân phố, cụm dân cư. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được bảo đảm, tạo môi trường ổn định, an toàn. Triển khai Kế hoạch số 101/KH-UBND, ngoài việc bảo đảm an ninh trật tự nói chung, huyện sẽ tăng cường quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, như: Dịch vụ game online, vũ trường, dịch vụ văn hóa, quán ăn, karaoke... để hạn chế nguy cơ xảy ra tệ nạn, tội phạm nguy hiểm.
Thượng tá Nguyễn Tuấn Khởi, Phó Trưởng Công an huyện Đan Phượng:
Bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở
Cùng với các chỉ đạo trước đây, việc thực hiện nghiêm Kế hoạch số 101/KH-UBND sẽ bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở. Theo đó, Công an huyện Đan Phượng tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động trên không gian mạng, chủ động phát hiện các đối tượng, hội nhóm có biểu hiện xu hướng bạo lực, các mâu thuẫn cá nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trên không gian mạng đối với giới trẻ - lứa tuổi thường dành nhiều thời gian tương tác trên mạng xã hội. Tổ chức tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, tăng cường tuần tra, kiểm soát công khai tại các địa bàn phức tạp, kịp thời giải quyết các vụ việc gây rối trật tự công cộng.
Đảng viên Phạm Đức Phú, Chi bộ 16, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Chủ động phòng ngừa ngay trong chính gia đình
Ngày nay, những tác động tiêu cực từ văn hóa phẩm độc hại đã làm ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ, dẫn đến nhiều hành vi phạm tội, tệ nạn xã hội. Thêm vào đó là sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ đã làm xuất hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu từ các trang mạng xã hội, văn hóa phẩm độc hại… không chỉ phụ thuộc vào vai trò nòng cốt của lực lượng công an, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhà trường mà cần có sự chung tay, chủ động phòng ngừa ngay trong chính mỗi gia đình. Kinh nghiệm cho thấy, nếu trong một gia đình, bố mẹ quan tâm sát sao đến việc học hành, phát triển nhân cách của con; trẻ được giáo dục đầy đủ kỹ năng sống, nhận thức được cái tốt cần học tập, cái xấu cần tránh xa… thì chắc chắn mỗi gia đình sẽ là những “pháo đài”, tệ nạn xã hội không thể xâm phạm.
Ông Nguyễn Huy Phượng, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông:
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Ngay trong Kế hoạch số 101/KH-UBND vừa ban hành, UBND thành phố đã chỉ rõ: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động; giải quyết kịp thời, triệt để khiếu nại, tố cáo, không để phức tạp kéo dài phát sinh thành các “điểm nóng” về an ninh, trật tự… Thực tế, đây là những vấn đề cốt lõi cần được các cấp chính quyền, cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm, giải quyết kịp thời và dứt điểm. Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân… cũng chính là thước đo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.