(HNM) - Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, những người có trách nhiệm chăm sóc trẻ, trực tiếp là bố, mẹ, người thân cần quan tâm bảo đảm an toàn cho trẻ em từ những việc nhỏ.
Nhằm hạn chế nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý người lớn nên theo sát trẻ em, không để trẻ đến gần cửa sổ, ban công không có rào chắn, không để trẻ tiếp xúc với ổ cắm điện, vật sắc, nhọn, nước nóng... Với trẻ lớn hơn, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ cách sử dụng các thiết bị sinh hoạt sao cho an toàn.
Để trẻ không bị tổn thương cả về thể chất và tinh thần, khi trẻ có lỗi, người lớn tuyệt đối không trừng phạt bằng cách đánh đập, dùng lời lẽ xúc phạm hoặc xa lánh trẻ. Nếu thấy bản thân cáu giận, người lớn hãy dừng lại 10 giây, hít thở chậm một vài lần, rồi dành thời gian nói chuyện với trẻ để tìm hiểu lý do vì sao trẻ mắc lỗi. Sau khi biết lý do, người lớn bình tĩnh phân tích cho trẻ nhận ra cái sai để trẻ không lặp lại. Cùng với đó, người lớn nên đặt ra những quy tắc rõ ràng và giải thích để trẻ hiểu rằng, trẻ nên thực hiện theo quy tắc.
Ngoài ra, các gia đình cần hướng dẫn trẻ em sử dụng internet đúng cách, theo dõi việc sử dụng internet của trẻ, tránh nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; nhắc nhở trẻ không mở cửa khi bố, mẹ vắng nhà để phòng kẻ xấu xâm nhập...
Đặc biệt, người lớn cần hướng dẫn để trẻ em nắm rõ, khi không may gặp tình huống rủi ro, trẻ không nên chạy vào các không gian nhỏ (tủ, phòng tắm, nhà bếp...); đồng thời tìm cách gọi người trợ giúp. Địa chỉ có thể trợ giúp trẻ em là Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Trung tâm công tác xã hội các tỉnh, thành phố và các cơ quan có thẩm quyền gần nhất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.