(HNM) -
Việc làm tại Mỹ dự báo sẽ ảm đạm hơn sau chương trình cắt giảm ngân sách tự động. |
Khoảng 750.000 người mất việc làm, 373.000 bệnh nhân tâm thần không được điều trị, nhiều công tố viên sẽ rơi vào cảnh ngày làm ngày nghỉ, 600.000 phụ nữ và trẻ em không nhận được trợ cấp lương thực khẩn cấp... hàng loạt con số được các cơ quan thống kê đưa ra khiến không ít người Mỹ phải đau đầu. Tuy nhiên, đây chỉ là những cảnh báo về một khởi đầu không mong muốn. Không ít khuyến cáo được đưa ra khẳng định nếu cuộc chiến nội bộ về ngân sách giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không sớm kết thúc thì một loạt hệ lụy nghiêm trọng sẽ không mời mà đến. Và, vết thương để lại chẳng những sẽ hiện diện trong từng ngôi nhà của các gia đình Mỹ mà còn là sự đình trệ của hàng loạt chương trình dài hạn, thậm chí ảnh hưởng đến các chiến lược củng cố vị thế toàn cầu của Washington.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển thể thao, biên chế của lực lượng bảo vệ an ninh nước Mỹ như Cục Điều tra liên bang (FBI) hay ngân sách cho Bộ Quốc phòng để duy trì sức mạnh Mỹ đều không nằm ngoài tác động của việc cắt giảm chi tiêu. Thậm chí, Lầu Năm Góc phải chịu "tổn thất" nhiều nhất từ cuộc đấu chưa có hồi kết ở Đồi Capitol. Theo tính toán, có tới 46,2 tỷ USD đã "bay" khỏi dự trù ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trong lần cắt giảm tự động đầu tiên. Nhiều chương trình thực tập tác chiến của các đơn vị hải, lục, không quân cũng sẽ biến mất, ít nhất 30% số ngày hoạt động trên biển của 285 chiến hạm Mỹ trên khắp các đại dương bị cắt bớt. Chưa kể 800.000 nhân viên dân sự bị thất nghiệp bán phần hay việc bảo trì vũ khí bị đình đốn do thiếu ngân sách. Đương nhiên, sẽ là vội vã nếu cho rằng, việc cắt giảm gây đau đớn này sẽ khiến quân đội Mỹ suy yếu. Về cơ bản, những vấn đề trọng yếu của cơ quan quốc phòng đầy quyền lực vì nhiều lý do không bị thay đổi. Không ít nhà phân tích đã lên tiếng bác bỏ việc mất 8% ngân sách sẽ khiến chiến lược tái định vị của Washington tại Châu Á sẽ bị suy chuyển. Trên thực tế, với ngân sách quốc phòng vẫn ở mức trên 500 tỷ USD/năm từ nay đến 2020, cuộc trở lại Châu Á sẽ vẫn là khẳng định của nước Mỹ.
Dẫu vậy, cũng không có nghĩa sự tranh chấp giữa lưỡng đảng Mỹ là không đáng lo ngại. Không phải đây là lần đầu tiên nước Mỹ rơi vào tình cảnh khó khăn bởi tiền lệ đã từng xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (1995). Thế nhưng, rõ ràng việc nước Mỹ phải thắt lưng buộc bụng vào thời điểm hiện tại là lợi bất cập hại. Vì, các nỗ lực để xứ Cờ hoa vượt thoát khỏi khủng hoảng kinh tế hiện nay không có chỗ cho cắt giảm chi tiêu. Ngoài một nước Mỹ đang tìm cách trốn chạy suy thoái, đối tác hàng đầu của cường quốc số 1 thế giới là Liên minh Châu Âu (EU) được cho là sẽ "lãnh đủ" nếu Đồi Capitol không nhanh chóng có được một thỏa ước cuối cùng.
Do đó, dự luật ngân sách mới của đảng Cộng hòa tại Hạ viện vừa đề xuất, cho phép cắt giảm ngân sách tự động chỉ ở mức 7,8% đối với Lầu Năm Góc và 5% với các cơ quan khác, thay vì mức cắt giảm 9% theo sắc lệnh mà Tổng thống Barack Obama đã ký. Đây được xem là một cố gắng đầu tiên của lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc tranh cãi ngân sách đang diễn ra.
Các cơ quan liên bang sẽ có "cơ hội" hoạt động đến ngày cuối cùng (30-9) của tài khóa 2013 bất chấp cơ chế ngân sách hiện thời hết hiệu lực vào ngày 27-3 đã giúp loại bỏ nguy cơ về một cuộc đóng cửa từng phần hay nghỉ việc hàng loạt có thể làm tê liệt nhiều cơ quan công quyền Mỹ. Như vậy, dù chưa tìm được tiếng nói chung nhưng thỏa hiệp cắt giảm ngân sách mới đạt được giữa những người Cộng hòa và Dân chủ đã khẳng định giới "tinh hoa" trên Đồi Capitol không thể khoanh tay đứng nhìn giông tố dấy lên ở chính miền đất hứa của họ. Đây là tín hiệu xanh cho niềm tin rằng cuộc khủng hoảng ngân sách Mỹ sẽ sớm có một hồi kết có thể chấp nhận để không làm trệch hướng cuộc hồi phục kinh tế của xứ Cờ hoa cũng như toàn thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.