Một kịch bản được từ 52% đến 54% cử tri đặt kỳ vọng trong năm bầu cử 2012 là đương kim Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama) vẫn có thể giành đủ 270 phiếu đại cử tri tối thiểu để tái cử nhiệm kỳ 2 bất chấp nhiều thách thức hơn năm 2008.
Thống đốc Mitt Romney (trái) và đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải). Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, trước thế giằng co hoặc chỉ dẫn điểm nhau trong phạm vi sai lệch của các cuộc thăm dò dư luận công bố ở thời điểm chỉ còn 4 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu chọn tổng thống mới, các chuyên gia chính trị lo ngại kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 6/11 tới có thể xảy ra những kịch bản rất khó phân xử. Liệu Tòa án Tối cao Mỹ có phải can thiệp như trong cuộc bầu cử năm 2000 hoặc sẽ có một ê kíp người đứng đầu nước Mỹ gồm một người của đảng Cộng hòa và một người của đảng Dân chủ. Đó là những kịch bản đã và đang được giới phân tích tính tới.
Ghế tổng thống Mỹ không do cử tri bầu trực tiếp mà thông qua cái gọi là 538 phiếu đại cử tri, phép tính cộng của toàn bộ các ghế lập pháp liên bang gồm 325 ghế Hạ viện, 100 ghế Thượng viện và 3 suất ghế đặc biệt của thủ đô Oasinhtơn (Washington). Theo luật định, trong ngày bầu cử 6/11 tới, ứng cử viên nào giành được quá bán tối thiểu 270 phiếu đại cử tri, người đó sẽ thắng cử. Tuy nhiên, trong phát biểu ngày 2/11, Giám đốc chương trình luật bầu cử thuộc trường đại học bang Ôhaiô (Ohio State University), ông Étuốt Phôli (Edward Foley) cho biết: Tuy hiếm khi xảy ra, nhưng không loại trừ khả năng vào ngày 6/11 tới, hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Ôbama và cựu Thống đốc Mít Rômni (Mitt Romney) đều nhận được số phiếu đại cử tri ngang bằng nhau, 269-269. Tình huống hi hữu này đã từng xảy ra ít nhất một lần vào năm 1837. Nếu tình huống này xảy ra, điều luật bổ sung thứ 12 trong Hiến pháp Mỹ quy định, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu chọn Tổng thống và Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu chọn Phó tổng thống. Kịch bản này nếu lặp lại trong năm 2012 thì rất khó xử lý vì Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát trong khi Thượng viện lại do đảng Dân chủ nắm quyền đa số. Quy định oái oăm này sẽ dẫn đến tình huống Tổng thống có thể sẽ là ông Rômni của đảng Cộng hòa và Phó tổng thống có thể là ông Giâu Baiđơn (Joe Biden), hiện là đương kim Phó tổng thống và là người của đảng Dân chủ. Chính quyền Rômni-Baiđơn có thể sẽ là đỉnh điểm của tính chất phức tạp của luật bầu cử Mỹ.
Tình huống nhạy cảm thứ hai là một ứng cử viên nhận được số lượng phiếu đại cử tri nhiều hơn và ứng cử viên còn lại nhận được số lượng phiếu phổ thông nhiều hơn. Trường hợp này đã từng xảy ra 4 lần trong lịch sử bầu cử Mỹ vào các năm 1824, 1876, 1888 và gần đây nhất là năm 2000. Vào thời điểm năm 2000, ông An Go (Al Gore) của đảng Dân chủ giành được nhiều hơn 100 phiếu phổ thông tại bang Phloriđa (Florida), nhưng đối thủ Cộng hòa Gioócgiơ W. Busơ (George W. Bush) tái cử tổng thống khi Tòa án Tối cao can thiệp phán xử ông Busơ giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn. Với việc kiểm phiếu lại và quyết định gây tranh cãi này của Tòa án Tối cao, phải sau gần 7 tuần, kết quả cuộc bầu cử năm 2000 mới được công bố chính thức./.
Mối lo ngại của các chuyên gia được nhắc tới khi các kết quả thăm dò trong vài ngày còn lại đều cho thấy một tình hình chung là vị Tổng thống đương nhiệm Ôbama và cựu Thống đốc Rômni vẫn đang bám đuổi nhau "như hình với bóng" về tỷ lệ cử tri ủng hộ, nhất là tại 12 bang dao động được xác định là nhân tố quyết định ghế tổng thống thứ 45 của Mỹ. Kết quả thăm dò chung công bố ngày 2/11 của CBS News/New York Times cho thấy ông Ôbama đang tạm dẫn với tỷ lệ cách biệt 1%-2% tại hơn một nửa bang dao động, trong khi đối thủ Rômni lại dẫn với tỷ lệ chênh lệch tương tự tại các bang dao động còn lại trong đó có Phloriđa, Carôlaina Bắc (North Carolina) và Vơginia (Virginia). Ông Ôbama đang có lợi thế hơn, nhưng cùng với Ôhaiô, chưa ứng cử viên nào chiếm được ghế ông chủ Nhà Trắng mà không thắng tại ít nhất 2 trong 3 bang này.
Giới phân tích nhận định những diễn biến tình hình phức tạp trên đây là lý do trong 4 ngày còn lại cuối cùng, cả ông Ôbama và ông Rômni có kế hoạch tới vận động tranh cử phút chót tại ít nhất 11 bang, trong đó có các bang dao động quan trọng như Nêvađa (Nevada), Côlôrađô (Colorado), Ôhaiô (Ohio), Vơginia, Aiôoa (Iowa), Uýtxconxin (Wisconsin), Niu Hemsi ơ (New Hampshire), Phloriđa, Misigân (Michigan), Carôlaina Bắc và Penxinvania (Pennsylvania).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.