(HNM) - Giờ danh tiếng của giò chả Ước Lễ vẫn vang xa nhưng tiếng chày giã thịt từ tờ mờ sáng cùng cảnh xếp hàng mua cân giò ăn tết từ lâu đã vắng bóng trong làng. Nhiều người Ước Lễ mang theo nghề đi lập nghiệp, nhưng chẳng mấy ai còn nghĩ tới chuyện giữ nghề ngay tại làng.
Giò chả Ước Lễ bày bán tại nhiều chợ trong thành phố. Ảnh: Bảo Lâm |
Miếng ngon để đời
Thôn Ước Lễ ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) vẫn còn giữ được chiếc cầu gạch cong cong, ngôi đình làng có dòng chữ "Ước Lễ thôn", những cây đa cổ thụ trong làng và ngôi chùa Sổ. Thế nhưng, khách tới Ước Lễ bây giờ không còn được nghe tiếng chày xốn xang, không được ngửi mùi giò thơm nức nữa. Người làng Ước Lễ làm giò đã chuyển hết lên Hà Nội, chuyển vào tận miền Trung, miền Nam xa xôi để làm hàng. Làng Ước Lễ nức tiếng gần xa về món giò ngon, cắn giòn ngập răng, để được lâu, ăn một lần nhớ mãi. Trước đây mỗi khi gà gáy sáng là người làm giò lại đến tận lò mổ lựa thịt nạc mông, thịt thăn để làm giò. Cứ ngày giáp tết là cả thôn lại vang tiếng bụp bụp giã giò để có hàng chuyển đi khắp nơi.
Giò chả Ước Lễ để người ta phải nhớ mãi "miếng ngon" nổi tiếng ấy là thứ giò khi cắt từng khoanh óng như mặt gương, mang sắc hồng phớt dịu nhẹ, có nhiều lỗ hút, khi ăn chỉ thấy vị ngọt nguyên sơ, mềm mà không xốp, giòn thơm chứ không bã. Còn chả quế cũng làm đẹp lòng bất cứ ai ngay từ cái nhìn đầu tiên. Miếng chả rán căng phẳng, vàng rộm màu hoa hiên, sóng sánh màu mật ong, thơm nồng mùi quế. Khi cắn ngập chân răng, vị béo, mùi thơm quý phái đến ám ảnh của một món rán được coi là lạc thú ẩm thực. Nói đến giò chả Ước Lễ người ta nghĩ đến sự kỳ công ngay từ khâu chọn thịt đến pha thịt. Thứ thịt làm giò chả phải là thịt mông, thịt thăn tươi ngon của lợn ỉ không dính mỡ. Thịt sau khi thái mỏng được cho vào cối đá giã thật đều tay, đến khi nào thành một khối dẻo quánh, nhuyễn mịn thì mới trộn cùng nước mắm, mì chính loại ngon.
Rời làng lên phố có phôi pha?
Dân làng nghề sống được bằng nghề không phải dễ. Nếu như có một số làng nghề truyền thống đã thất truyền, thì đến tận bây giờ, người dân Ước Lễ vẫn tự hào là họ có thể sống bằng nghề truyền thống. Chỉ có điều, họ không làm giò lụa, chả quế tại chính quê hương mà đã đem nghề đi tứ xứ, nên ở làng không còn cảnh đông vui tấp nập như xưa nữa, chỉ còn người già ở nhà nhang khói. Chính vì vậy mà thôn Ước Lễ hiện chỉ còn khoảng gần 200 hộ dân sinh sống, chủ yếu làm nông nghiệp.
Làng nghề vắng bóng nghệ nhân là nỗi trăn trở của lãnh đạo xã. Chủ tịch UBND xã Tân Ước tâm sự, cả làng có khoảng 2.500 khẩu thì có tới 1.500 khẩu đã rời làng đi lập nghiệp ở xa. Làng nghề nhưng bây giờ không có ai làm nghề trong làng, chúng tôi cũng muốn xây dựng thương hiệu cho làng, nhưng người dân không thuận, họ chỉ làm theo thị trường, không quan tâm tới chuyện thương hiệu. Những chủ giò chả Ước Lễ lớn bây giờ đều đã có ít nhất hai đời ở phố làm nghề. Thành ra, họ chỉ về làng vào dịp đầu xuân hoặc hội hè, đình đám. Trong khi các hộ làm ăn xa phất lên từng ngày thì các hộ còn lại ở làng gắn bó với nghề còn rất ít, họ chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp.
Nội thành Hà Nội là nơi có nhiều người Ước Lễ làm ăn. Nhà hàng Việt Hương (phố Huế) là nơi khách sành ăn Thủ đô hay lui tới. Cửa hàng giò chả Hồng #ạt (chợ Thành Công), cửa hàng nhà ông Bính Cường (Ngã tư Vọng), cửa hàng của anh Quang (chợ Mai #ộng)... là những nơi tiêu thụ hàng nhanh và nhiều nhất. Mỗi ngày, các cơ sở này bán được hơn 20, 30kg hàng gồm đủ loại. Ngoài giò lụa, chả quế, người ta còn làm cả giò bò, giò gà, chả bìa, chả cốm. Một trong những con phố có nhiều quán bán giò chả Ước Lễ là phố Trần Xuân Soạn (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội), ở đây có khoảng trên dưới 10 cửa hàng giò chả có tên là Ước Lễ. Nhiều người Ước Lễ nhờ mang giò chả lên phố mà đổi đời. Anh Lê Anh (số 149, ngõ An Trạch 2 - Đoàn Thị Điểm) là người thôn Chi Lễ, lấy vợ người Ước Lễ (cùng xã Tân Ước), "bén duyên" với nghề làm giò từ năm 16 tuổi, đến nay đã làm giò được 20 năm và ra Hà Nội cũng gần từng ấy thời gian. Nhiều người làm giò chả Ước Lễ dời làng lên phố mua được nhà. Nói về chuyện giữ nghề tại làng, những người như anh Anh đều cho biết việc này khó và hầu như không thể vì làng quá xa thị trường tiêu thụ. Về chuyện thương hiệu giò chả Ước Lễ chung của làng, họ cho hay mình chỉ là những người làm nhỏ lẻ, những chuyện lớn hơn chưa nghĩ tới.
Làng nghề chuyển ra phố, giò vốn giã bằng tay với chày và cối nay được xay bằng máy, âu đó cũng là xu thế phát triển tự nhiên. Nhưng cũng buồn cho một món ăn đã trở thành văn hóa tinh thần, một tinh hoa Việt đã không còn xuất hiện ở nơi nó sinh ra. Nhiều người kỹ tính muốn về tận Ước Lễ để mua giò chính gốc cho mâm cỗ ngày tết, thôi thì lên phố mà mua!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.