(HNM) - Những người lính biên phòng mà tôi đã gặp trong chuyến công tác tại biên giới Tây Bắc giáp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi địa bàn hoạt động khác nhau, nhưng họ đã để lại trong tôi những ấn tượng thật sâu sắc.
Đó là sự tình nguyện xa gia đình, người thân để ở lại vùng cao biên giới lập nghiệp, gắn bó lâu dài với bà con các dân tộc theo phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương". Đó còn là sự mưu trí, dũng cảm trong cuộc chiến chống lại các loại tội phạm... Sự có mặt lặng lẽ của các anh nơi phên dậu Tổ quốc đang góp phần để biên cương xanh thắm.
Bộ đội Biên phòng Nà Bủng tuyên truyền kiến thức pháp luật cho bà con dân tộc Mông. |
Phá án nơi biên ải
Trung úy Trần Ngọc Thắng, sinh năm 1980, quê ở Thanh Hóa nhận nhiệm vụ tại Đội PCMT, BĐBP tỉnh Điện Biên từ năm 2010. Công việc hiểm nguy, khó lường khiến Thắng đã có lúc nản lòng. Nhưng tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của người lính giúp anh vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thắng chia sẻ: "Đánh án ma túy thường phải đi sâu vào rừng, đường dài, lắm đèo, lắm suối nên hay mệt mỏi. Chúng tôi luôn nhắc mình không được phép ngơi nghỉ, vì mỗi lần dừng lại là mỗi lần làm người ta chùn bước...". Khi mai phục, phá án, Thắng và đồng đội không dùng tên thật, chỉ thông tin qua ám hiệu, ánh mắt. Cứ vài chục cây số lại phải thay xe hoặc thay biển số. Rồi có lúc Thắng cải trang thành chàng trai Mông, Dao, Hà Nhì; cũng có khi là anh nông dân làm thuê ngờ nghệch...
Phá thành công 122 vụ, bắt giữ 145 đối tượng TPMT trong năm 2011 - đó là kết quả cụ thể mà BĐBP Điện Biên đã đạt được. Điều đó cũng có nghĩa là Thắng và đồng đội phải tiếp tục trau dồi, nâng cao nghiệp vụ để chiến thắng trong cuộc đấu trí, đấu sức quyết liệt ở vùng biên cương "ngày nắng cháy, đêm giá lạnh đầy" - nơi các anh đã chọn làm quê hương thứ hai của mình.
Cuộc vận động mang tính nhân văn
Nà Hỳ là một xã vùng sâu nằm trên núi cao của huyện Mường Nhé với 1.032 hộ, 6.832 nhân khẩu sinh sống tại 17 bản, trong đó có 8 bản dân tộc Mông, tỷ lệ bà con biết tiếng phổ thông rất thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 79%... Thuộc lòng từng bản làng, hiểu và biết từng tập tục của người Mông bản địa khiến CBCS Đồn Biên phòng 413 Nà Hỳ tham gia đánh án khá hiệu quả. Trong năm 2011, các anh đã phá được 12 vụ án ma túy, bắt 13 đối tượng, thu giữ 190 tép hêrôin, 1kg thuốc phiện và 1kg thuốc cảm ABC. Đồn trưởng, Trung tá Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: "Gian nan, vất vả trong "đánh" án ma túy là điều không tránh khỏi nhưng ngoài nhiệm vụ trên thì việc xử lý các vụ việc phát sinh trong dân cũng là những cuộc "đấu trí" không kém phần căng thẳng của chúng tôi".
"Bức tranh" gian khó trong việc giữ vững an ninh ở một xã miền núi có nhiều người Mông như Nà Hỳ thêm một lần "thử sức" CBCS Đồn Biên phòng trong việc vận động nhân dân nộp súng săn tự chế. Trước đây, khẩu súng không chỉ mang ý nghĩa là thứ vũ khí bảo vệ con người trước các loại thú dữ mà còn giúp dân trong săn bắn hằng ngày và là tài sản có giá trị. Nhưng cũng chính những khẩu súng khi sử dụng bừa bãi đã gieo nỗi đau cho nhiều gia đình vùng cao… Đại úy Phương Công Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nà Hỳ kể: Trên thực tế việc BĐBP vận động nhân dân nộp súng không phải là chuyện đơn giản. Có những khẩu súng được truyền từ đời này qua đời khác, được nâng niu, cất giữ, được coi là linh hồn, là niềm tự hào của cả gia đình, dòng tộc. Nhiều người Mông còn cho rằng đây là vật thiêng không thể rời xa bởi nếu rời xa sẽ bị ma bắt làm tội, làm cho ốm đau, bệnh tật… Nhưng điều đó giờ đã chấm dứt nhờ một cuộc vận động mang tính nhân văn của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó có sự vào cuộc của các cấp và lực lượng chức năng. Từ chỗ 100% gia đình người Mông trong xã có súng, nay chỉ còn 5% và con số này vẫn đang được các chiến sĩ Biên phòng Nà Hỳ quyết tâm xóa sạch.
"Mùa xuân này Nà Hỳ không còn tiếng súng", đó là khẳng định mà CBCS Đồn Biên phòng Nà Hỳ nói với chúng tôi trước khi chia tay…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.