Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giết mổ gia súc, gia cầm: Vẫn còn bất cập

Ngọc Quỳnh| 24/02/2016 06:39

(HNM) - Một trong những nguyên nhân gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm là công tác kiểm soát giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm chưa tốt.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cả nước mới chỉ có 36 tỉnh, thành phố được phê duyệt đề án quy hoạch giết mổ GSGC, trong đó khu vực phía Bắc có 5 tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đang xây dựng đề án. 12 tỉnh trọng điểm phía Bắc mới chỉ có 59 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 0,51% trong tổng số 1.544 cơ sở giết mổ tập trung cả nước). Trong khi đó, có tới 28.285 điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ.

Một dây chuyền giết mổ tập trung.


Ở nhiều địa phương, việc giết mổ diễn ra phổ biến ngay tại hộ chăn nuôi. Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành cho biết, Hà Nội có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp nhưng đều hoạt động cầm chừng, còn 2.491 điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ trong khu dân cư không bảo đảm điều kiện, gây ô nhiễm môi trường lại rất sôi động. Các cơ sở này cung cấp phần lớn thực phẩm cho 5 chợ đầu mối, 134 chợ tạm, chợ cóc khi chiếm tới 90% số lượng thịt trâu, bò, 73% thịt lợn, 68,6% thịt gia cầm tiêu thụ trên thị trường. Ở tỉnh Nam Định có 2.060 điểm giết mổ chủ yếu là nhỏ lẻ… hầu hết đều nằm trong khuôn viên nhà ở, diện tích chật hẹp, trang thiết bị thô sơ, nguy cơ mất ATTP rất cao.

Vì sao lại có nghịch lý, trong khi cơ sở giết mổ, chế biến tập trung khá "lay lắt" thì cơ sở nhỏ lẻ hoạt động rất sôi động? Nguyên nhân chủ yếu là sản phẩm chăn nuôi hiện nay được tiêu thụ dưới dạng thịt tươi tại chợ, chỉ có một lượng nhỏ được cấp đông đưa vào tiêu thụ tại siêu thị, nhà hàng. Công nghiệp chế biến cũng chưa phát triển. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào chế biến thực phẩm như Visan, Đức Việt, Đabaco... Còn theo ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, các cơ sở công nghiệp khó tồn tại vì không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm, đầu tư lớn dẫn tới chi phí giết mổ cao nên giảm tính cạnh tranh.

Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ cụ thể về xây dựng mới các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm vệ sinh thú y còn hạn chế. Quyết định số 16 của thành phố mới chỉ hỗ trợ sau đầu tư với các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà… Để từng bước xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, trên cơ sở xã hội hóa đầu tư, Nhà nước cần ban hành các quyết định có tính đặc thù khuyến khích mọi thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ theo quy hoạch. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mở cửa hàng, chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn; hỗ trợ trang thiết bị cho các mô hình giết mổ tập trung; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi…

TS Nguyễn Văn Cảm - Hội Khoa học kỹ thuật Thú y Việt Nam:
Nói nhiều, làm ít

Việc chấn chỉnh các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư đã được các bộ, ngành quan tâm quy hoạch nhưng dường như chính quyền cơ sở chưa thật sự tích cực chỉ đạo, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật. Việc xử lý về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của các cấp, các ngành chức năng chưa triệt để, nghiêm minh, dẫn tới các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn hoạt động ngày càng mạnh, đặc biệt là những cơ sở không được cấp phép. Năng lực quản lý giết mổ của chính quyền địa phương, thú y cấp xã còn yếu, nên không kiểm soát được.

Ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Vinh Anh - Chủ cơ sở giết mổ công nghiệp ở huyện Thường Tín:
Từng bước dẹp bỏ cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi nhỏ lẻ

Theo thiết kế, công suất giết mổ lợn tại cơ sở là 600 con/ngày, nhưng hiện chỉ mới giết mổ 100 - 150 con/ngày để cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị. Để các cơ sở giết mổ công nghiệp hoạt động hiệu quả, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sau đầu tư, nhất là khu xử lý nước thải. Chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, từng bước tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, dẹp bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm ATTP trong khu dân cư.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giết mổ gia súc, gia cầm: Vẫn còn bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.