Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gieo mầm văn hóa đọc

Bài, ảnh Thế Dũng| 22/10/2011 06:34

(HNM) - Không chỉ đến khi lập CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng, những người yêu sách mới biết đến ông Phạm Thế Cường, bởi ông còn là chủ nhân của thư viện gia đình có tiếng ở TP Hồ Chí Minh.


Ông Phạm Thế Cường bên tủ sách tập hợp những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Trong căn nhà số 282 đường số 8 (số cũ là 130/1B Lê Văn Thọ), quận Gò Vấp, ông Phạm Thế Cường hào hứng kể lại chặng đường từ một người ham đọc sách đến lúc lập thư viện để phục vụ cộng đồng. "Từ 6 tuổi, tôi đã bắt đầu đọc sách. Hai cuốn sách đầu tiên tôi đọc là "Không gia đình" và "Những tấm lòng cao cả" đã nuôi dưỡng nguồn cảm hứng đọc sách đến tận giờ. Ngày 18-5-2008, sau vài năm nghỉ hưu có điều kiện cóp nhặt thêm những cuốn sách mới, tôi chính thức mở cửa thư viện gia đình với mong muốn là có thể thu hút các cháu thiếu nhi, sinh viên. Vào những tối mùa hè, thư viện thường xuyên có khoảng 35-40 cháu đến đọc" - ông Cường nói.

Trong câu chuyện, người đàn ông sinh ra, lớn lên tại Hà Nội này rất ít nói về mình và chủ yếu nói về cách thu hút độc giả đến với thư viện. Ông Cường cho rằng, hệ thống thư viện của Nhà nước có đầy đủ điều kiện phát triển nhưng hiện đều đang gặp khó khăn khi số người đọc ngày càng ít. Nguyên nhân chính là do chúng chỉ là "thư viện đóng" theo đúng nghĩa. Tức là người đọc chỉ đến đọc khi có nhu cầu, còn hiếm khi có các hoạt động ngoài lề để quảng bá, giao lưu với tác giả sách.

Ông Cường nói: "Tôi thì khác, không có sự hỗ trợ từ ngân sách nên phải nghĩ mọi cách để hút độc giả. Độc giả khi đến thư viện được hướng dẫn tự tìm, sắp xếp sách và tham gia vào nhiều hoạt động giao lưu, tìm hiểu sách theo chủ đề do các cháu tự xây dựng. Bốn năm qua, hè nào tôi cũng tổ chức dã ngoại kết hợp với giới thiệu sách. Gần đây nhất là chủ đề "Hà Nội trong tôi", "Bác Hồ của chúng em" (năm 2010) và "Việt Nam - Tổ quốc giàu đẹp" (năm 2011). Sau khi đọc sách, các cháu sẽ tự viết bài luận, phát biểu những suy nghĩ xung quanh chủ đề đó… Muốn tổ chức được những cuộc như thế, tôi phải chuẩn bị trước cả tháng, từ việc chọn sách, hướng dẫn các cháu đọc và làm "dân vận" với phụ huynh để họ hiểu đây là hoạt động có ích".

Sau hơn 3 năm mở cửa, thư viện của ông Phạm Thế Cường nhận được nhiều đề nghị tài trợ của không ít nhà sách, cá nhân nhưng ông đều từ chối. Có không ít nhà xuất bản biết ông đã gửi sách tặng để bổ sung vào thư viện. Nhiều học sinh sau khi đến đọc cũng tự nguyện mang sách đến góp… Siêng năng góp nhặt, đặc biệt là những cuốn sách cũ nên gia tài sách của ông Cường đã khá đầy đủ với nhiều lĩnh vực: sách lý luận chính trị, văn học, thiếu nhi, tham khảo… Ông bố trí nguyên tầng thượng rộng hơn 50m2 để độc giả sinh viên, người lớn tuổi đến đọc. Ở tầng 1 là kho sách khoảng 6.000 cuốn phục vụ độc giả thiếu nhi. Ai muốn mượn sách về nhà đọc không cần phải đặt cược mà chỉ tự ghi cuốn sách mình mượn vào sổ. Độc giả cũng không phải đóng bất cứ một chi phí nào để duy trì hoạt động của thư viện.

Riêng với CLB "Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng" mới thành lập ngày 9-10-2011, ông Phạm Thế Cường cho biết: CLB có số thành viên ban đầu là 48 người, trong đó người lớn tuổi nhất là GS Phong Lê. Hoạt động của CLB diễn ra mỗi tháng một lần, bàn luận về những cuốn sách hay, trao đổi những điều tâm đắc từ sách. Ngoài ra, CLB còn tổ chức giao lưu với các nhà văn, nhà phê bình văn học… và thực hiện bản tin nội bộ "Người yêu sách". Hiện nay, tại thư viện đang trưng bày, giới thiệu bút tích và nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong đó có những ấn bản ra đời cách nay 30-40 năm.

Ít người biết rằng, dù đời sống gia đình không cao nhưng mỗi năm ông Cường bỏ ra hơn 30 triệu đồng để mua sách mới và duy trì hoạt động của thư viện. Trong bối cảnh "văn hóa đọc" trùng xuống, việc làm của ông Phạm Thế Cường không phải ai cũng đủ đam mê để dấn thân và dấn thân rồi cũng không dễ gì để nuôi dưỡng niềm đam mê ấy. Người cựu chiến binh ấy vẫn ngày ngày làm bạn cùng trang sách và gieo mầm tình yêu văn hóa đọc đến với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gieo mầm văn hóa đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.