Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gieo mầm chờ ngày hái quả

Mai - Hương| 21/01/2011 07:20

(HNM) - Sau một năm thành phố Hà Nội triển khai thực hiện mô hình nông thôn mới (NTM) tại 3 xã điểm, đến nay, toàn thành phố đã có 19 xã được đầu tư xây dựng NTM. Với những bước đi tương đối bài bản, công tác xây dựng NTM của Thủ đô đã thu được những kết quả bước đầu, tạo đà cho thành phố tiếp tục nhân rộng trong năm 2011.


Những "mùa vàng" mới


Xây dựng công trình thủy lợi ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trung Kiên


Những ngày đầu năm mới 2011 và chuẩn bị đón xuân Tân Mão, ở nhiều xã đang triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội, không khí phấn khởi rạng ngời hiện rõ trên gương mặt những người nông dân. Đó là niềm vui được mùa, được hưởng thành quả từ chương trình xây dựng NTM. Trong rét buốt, gương mặt của lão nông Ngô Thị Vắn (thôn Tân Mỹ, xã Thụy Hương, Chương Mỹ) ánh lên niềm vui bởi vụ hoa Tết báo hiệu bội thu. Bà Vắn cho biết, đây là vụ đầu tiên gia đình bà chuyển từ trồng ngô, trồng lúa sang trồng hoa cao cấp theo dự án của HTX hoa cây cảnh Thụy Hương. Nếu như trước đây, một sào trồng lúa, ngô truyền thống thu nhập chỉ được 3 triệu đồng/năm thì chuyển sang trồng hoa ly, lan, cúc… thu nhập cao hơn hàng chục lần. Còn ông Mạc Đình Việt, thôn Chúc Đồng nhận định, nhờ chương trình NTM, người nông dân được học và biết cách làm ruộng chuyên nghiệp, năng suất và hiệu quả hơn hẳn cách làm ruộng truyền thống. Hiện cả xã Thụy Hương có hàng trăm hộ tham gia vào các dự án hoa, cây cảnh, rau an toàn, lúa chất lượng cao đều "thắng lớn" cả về năng suất và giá trị. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Nguyễn Đức Học, mô hình NTM ở địa phương sau hơn một năm được triển khai không những mang lại cơ sở hạ tầng tốt đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa xã hội của người dân mà quan trọng hơn là làm thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất cá thể đơn lẻ sang làm ăn tập thể, từ tập quán sản xuất truyền thống, hiệu quả thấp sang các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, đó là xu thế tất yếu của nền sản xuất tiên tiến.

Cùng với niềm vui được mùa của nông dân Thụy Hương, tại xã Đại Áng (Thanh Trì), một trong ba xã làm điểm mô hình NTM của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Oai cho biết, cái được lớn nhất kể từ khi xã được đầu tư xây dựng NTM đến nay là người dân đã và đang được thụ hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư và nâng cấp ngày một đồng bộ. Gần một năm qua, toàn xã đã có khoảng 10km đường liên xã, liên thôn được đầu tư xây dựng mới; gần 3km kênh mương được sửa chữa và làm mới, nhà văn hóa, cơ sở giáo dục được đầu tư và cải tạo lại… Đó là "bước đệm" tạo sức bật để địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đây cũng là niềm vui chung của nhiều người dân ở khắp các xã đang xây dựng NTM trên địa bàn thành phố.

Nhân rộng mô hình

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố Hà Nội, một số xã sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư đã nhanh chóng triển khai các khâu công việc và thu được kết quả. Tại xã Thụy Hương, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Xã đã có 14/19 tiêu chí cơ bản đạt như: quy hoạch, cơ sở hạ tầng, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế..., chỉ còn 5 tiêu chí đạt ở mức trên 75%, địa phương đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành trong năm 2011. Hiện nay, 3 xã làm điểm NTM của thành phố là: Mai Đình (Sóc Sơn); Song Phượng (Đan Phượng) và Đại Áng (Thanh Trì) đang khẩn trương tiến hành xây dựng các công trình cơ bản. Với 35 dự án đã và đang thực hiện ở xã Song Phương, 7 dự án ở xã Đại Áng và 11 dự án ở xã Mai Đình chắc chắn sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực để các địa phương này phát triển kinh tế.

Theo ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thành viên Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội, để đề án NTM của thành phố hoàn thành đúng tiến độ và ngày càng có nhiều người dân được đón nhận những thành quả từ NTM, mô hình sẽ nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều xã khác. Ngay trong năm 2011, thành phố đã chỉ đạo đồng loạt 401 xã lập đề án, trong đó chọn khâu quy hoạch làm đột phá, tạo tiền đề thực hiện các tiêu chí khác. TP cũng chỉ đạo các ngành tập trung cao độ, phối hợp tốt với cơ quan thường trực NTM là Sở NN&PTNT để sắp xếp bố trí các chương trình lồng ghép như xây dựng đường điện, nhà văn hóa... để tiết kiệm vốn và phát huy hiệu quả công trình ở địa phương. Thành phố cũng sẽ dành khoảng 3.000 tỷ đồng cho việc triển khai xây dựng NTM tại các xã nhằm hoàn thiện quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng một số hạ tầng cơ bản như đường giao thông, hệ thống điện, công trình văn hóa, y tế, giáo dục...

Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao từ thành phố, nhiều địa phương đã thể hiện quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền sớm đưa mô hình NTM trở thành hiện thực. Tại huyện Thanh Trì, theo Bí thư Huyện ủy Triệu Đình Phúc, huyện đã xác định xây dựng NTM không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, mà còn là một trong 6 chương trình công tác lớn của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ 2010-2015. Thanh Trì phấn đấu đến năm 2015, có 10/15 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (đạt 65%) và phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM trước năm 2020. Ở huyện Thanh Oai, mới đây huyện đã tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm của xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương (Thái Bình) và tổ chức tập huấn chuyên đề về NTM cho cán bộ chủ chốt các xã, tạo thuận lợi cho địa phương trong triển khai xây dựng NTM.

Những nỗ lực của thành phố và các địa phương đã và đang góp phần đẩy nhanh hơn nữa quá trình hiện thực hóa mô hình NTM trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gieo mầm chờ ngày hái quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.