(HNM) - Bất chấp sự chỉ trích gay gắt của Chính phủ Iraq và các quốc gia láng giềng, cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của người Kurd tại Iraq đã được tổ chức trên khắp 3 tỉnh là Sulaimaniyah, Dohuk và Arbil, cũng như ở các khu vực giáp giới có tranh chấp.
Cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd tại Iraq làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn trong khu vực. |
Theo số liệu của Ủy ban Bầu cử, hơn 3,3 triệu người đã tham gia trưng cầu dân ý, chiếm khoảng 72% trong tổng số 4,58 triệu người đăng ký bỏ phiếu. Kênh truyền hình Rudal Kurdish cho biết, dựa vào số lượng phiếu đã được kiểm, có thể có tới hơn 90% người tham gia đã bỏ phiếu “đồng ý”.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, người đứng đầu chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) tại Iraq Masoud Barzani khẳng định, kết quả cuộc trưng cầu không có giá trị ràng buộc và không tự động dẫn tới nền độc lập. Tuy nhiên, người Kurd nhìn nhận đây là một bước tiến quan trọng vun đắp cho giấc mơ ấp ủ hàng thập kỷ qua về một quốc gia của cộng đồng hơn 30 triệu người, sinh sống chủ yếu tại các khu vực thuộc Syria, Iran, miền Bắc Iraq và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vậy, kết quả bỏ phiếu cho thấy cần thiết phải có một cuộc đàm phán với Iraq và các nước láng giềng trong “cuộc ly khai hòa bình” này. Ông M.Barzani cũng kêu gọi các nước “tôn trọng ý chí của hàng triệu người đã tham gia bỏ phiếu”.
Trái với mong đợi của nhà lãnh đạo người Kurd, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết, Chính phủ nước này chưa sẵn sàng đề cập hoặc đối thoại về cuộc trưng cầu dân ý. Mặc dù năm 2005, Hiến pháp Iraq đã công nhận Khu tự trị người Kurd do KRG điều hành, nhưng kết quả bỏ phiếu vừa qua không được công nhận bởi đây là một hành động vi hiến.
Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vốn tồn tại mâu thuẫn dai dẳng với người Kurd tại khu vực biên giới trong nhiều thập kỷ - đe dọa sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa về kinh tế và quân sự nhằm ngăn chặn cuộc ly khai của người Kurd. Ankara cũng cân nhắc khả năng chặn đường ống dẫn dầu từ Iraq ra bên ngoài nhằm làm suy yếu nguồn thu nhập chính từ ngành công nghiệp khai thác dầu của Khu tự trị người Kurd. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định, khi an ninh quốc gia bị đe dọa, thiệt hại kinh tế vài trăm triệu USD không còn là vấn đề. Ngay khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Iran cũng tuyên bố đóng cửa biên giới với Khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq, nhằm đáp lại hành động đòi độc lập của cộng đồng này.
Thực tế cho thấy, các nước hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về tình hình an ninh quốc gia và đưa ra những phản ứng quyết liệt. Hãng Sputnik dẫn lời chuyên gia chính trị Hasan Abdullah cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý có thể gây ra “hiệu ứng domino” và dẫn tới tình trạng bất ổn ngày một gia tăng khi kích động làn sóng ly khai tại các nước có người Kurd sinh sống. Bằng chứng là rạng sáng 26-9 (giờ địa phương), hàng nghìn người Kurd tại Iran đã đổ xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý đang được tổ chức tại nước láng giềng. Rõ ràng, vấn đề đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới Iraq.
Mỹ, các nước Châu Âu và Liên hợp quốc cũng phản đối mạnh mẽ quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của người Kurd tại Iraq, cho rằng hành động này sẽ gây ra bất ổn vào thời điểm các bên vẫn đang cần tập trung nguồn lực cho cuộc chiến chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan mà lực lượng vũ trang người Kurd đóng vai trò then chốt. Ngoài ra, việc cố gắng theo đuổi “giấc mơ độc lập” có thể đẩy Khu tự trị người Kurd tại Iraq vào thế cô lập về chính trị, chưa kể tình trạng bất hòa sẽ bị các phần tử cực đoan lợi dụng. Không khó hiểu khi các chuyên gia lo ngại, cuộc trưng cầu dân ý vừa được tiến hành nhiều khả năng đã gieo mầm bất ổn tại khu vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.