(HNM) - Đoàn thanh tra liên ngành của TP Hà Nội vừa có kết luận sau một tháng thanh tra về các sai phạm trong việc chấp hành các quy định về ATLĐ tại công trình tòa nhà cao nhất Việt Nam, ra quyết định phạt 15 nhà thầu với 235 triệu đồng...
Tòa nhà Keangnam nổi tiếng cả về độ cao lẫn sự mất ATLĐ trong thi công. Ảnh: Đàm Duy |
Chính thức khởi công xây dựng từ cuối năm 2007, dự án Tổ hợp Khách sạn - Thương mại - Văn phòng căn hộ công viên Thiên Niên Kỷ Keangnam Hanoi Landmark Tower (Tổ hợp Keangnam) dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2010. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn khởi công, hàng loạt vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đã liên tiếp xảy ra tại công trình này, làm 6 người chết, 3 người bị thương, Thanh tra Lao động phải vào cuộc. Lúc này mọi người mới giật mình vì có quá nhiều sai phạm về an toàn lao động (ATLĐ) tại công trình này.
Lỗ hổng từ công tác quản lý
Tổ hợp Keangnam do Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư 100%, tổng số vốn là 1,05 tỷ USD. Đây được coi là một trong những công trình cao nhất, hoành tráng nhất Việt Nam với nhiều hạng mục trên tổng diện tích mặt bằng dự án là 46.054m2 với độ cao 70 tầng.
Để thực hiện dự án, chủ đầu tư là Keangnam Vina đã ủy nhiệm cho Công ty TNHH Keangnam Enterprise (Hàn Quốc) là nhà thầu chính thi công toàn bộ công trình. Nhà thầu chính đã sử dụng 24 nhà thầu phụ (tại thời điểm thanh tra); Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng Việt Nam (IBST) là đơn vị tư vấn giám sát để kiểm soát ATLĐ. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn khởi công, tại công trình này đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng và ngày 26-2-2010, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình ký quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành gồm Sở LĐ-TB&XH, Sở Xây dựng, Liên đoàn Lao động Hà Nội và Công an huyện Từ Liêm để thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định về ATLĐ tại công trình tòa nhà Keangnam.
Tư vấn giám sát không có chứng chỉ hành nghề
Theo kết luận thanh tra, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư và nhà thầu chính chưa tiếp cận đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về ATLĐ nên đã để xảy ra quá nhiều sai phạm.
Có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện biện pháp thi công an toàn; bảo vệ môi trường trong quá trình thi công với chế độ làm việc 3 ca trong suốt 24/24 giờ, thế nhưng số cán bộ của IBST được cử giám sát công trình lại chưa có đủ chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát. Cán bộ của IBST đã không phát hiện kịp thời những sai sót của các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; thiếu kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu nhà thầu phải trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động và buộc người lao động phải thực hiện các nguyên tắc an toàn khi làm việc. Cụ thể vụ TNLĐ ngày 22-2-2010 tại sàn tầng 39 tòa nhà A, IBST đã không yêu cầu kiểm tra các tấm coppha lắp dựng từ ngày 10-2-2010, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Canh Dần. Chính vì vậy, sau 12 ngày nghỉ tết, ngày 22-2, khi công nhân làm việc trở lại, các tấm coppha này đã đổ ập xuống khiến kỹ sư Vũ Văn Lâm tử nạn.
Khi đoàn thanh tra kiểm tra thực tế thi công tại các tòa nhà trong 1 ngày nhận thấy đơn vị tư vấn giám sát không hề có mặt để thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên.
Chất lượng lao động không được kiểm soát
Chỉ ra những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án, bản kết luận thanh tra xác định: nhà thầu chính không lập và phê duyệt biện pháp bảo đảm an toàn chung cho toàn công trình; không kiểm soát được chất lượng lao động dẫn đến việc hướng dẫn, phổ biến, cảnh báo ATLĐ và chuyển giao công nghệ chưa đạt hiệu quả cao; chưa thường xuyên kiểm tra và cảnh báo về nguy cơ mất ATLĐ đến các nhà thầu phụ. Thậm chí, đơn vị này còn không thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình TNLĐ; không báo cáo các vụ tai nạn tới Thanh tra Lao động (Sở LĐ-TB&XH).
Đồng thời, nhà thầu chính đã thiếu phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị có nghĩa vụ giám sát ATLĐ theo pháp luật và hợp đồng đã ký. Bộ máy chuyên trách về ATLĐ chưa đủ để giám sát các đầu việc đang được thi công tại các khối nhà, hạng mục ngoài nhà. Từ đó, nhật ký giám sát thi công cũng không được ghi chép đầy đủ.
Đáng chú ý, nhà thầu chính, đơn vị giám sát và nhiều nhà thầu phụ thiếu quản lý chặt chẽ, nhưng lại sử dụng nhiều lao động thiếu trình độ chuyên môn, chưa có ý thức cao về ATLĐ. Chỉ có 30% lao động được đào tạo.
Như vậy, lỗ hổng trong việc chấp hành và thực hiện các quy định về ATLĐ tại tòa nhà Keangnam đã được chỉ rõ. Với những hành vi vi phạm ATLĐ của 15 nhà thầu tại công trình tòa nhà Keangnam, Đoàn thanh tra đã xử phạt với tổng số tiền là 235 triệu đồng và yêu cầu dừng hoạt động 12 thiết bị chưa có phiếu kiểm định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.