(HNM) - Thất bại tại SEA Games 26 của đội tuyển bóng đá U23 quốc gia đã khiến nhiều người phải bức xúc với cách sử dụng cầu thủ trẻ tại các CLB. Từ bức xúc mà tại cuộc họp chuẩn bị cho sự ra đời của VPF mới nảy ra ý kiến rằng, từ mùa 2013 mỗi đội chuyên nghiệp phải đăng ký 5 cầu thủ U21 và đưa vào sân 2 cầu thủ.
AI cũng hiểu đấy là giải pháp cực chẳng đã bởi khi nhiều CLB không chịu tự nguyện, không tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ và chỉ lo thành tích trước mắt thì những nhà quản lý buộc phải có hành động "cưỡng chế". Hậu quả sự buông lỏng đào tạo trẻ thế nào, ai cũng thấy rõ nếu chỉ xét trên bình diện đội tuyển U23. Đội hình đội tuyển tiếng là nhiều sao nhưng lại không cân bằng. Nơi thì tập trung quá nhiều tài năng (hàng tiền vệ), nơi lại thiếu người tài (hàng thủ và hàng tiền đạo). Trong khi bóng đá là môn chơi tập thể, cần sự cân bằng giữa các tuyến thì việc mất cân đối như vậy khó dẫn tới thành tích cao.
Bóng đá Việt Nam cần tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ thể hiện khả năng và tích lũy kinh nghiệm. |
Nhưng vấn đề không dừng lại ở đây. Nhiều CLB lập tức lên tiếng phản đối cái công thức "đăng ký 5, thi đấu 2" kia vì nếu BTC giải chuyên nghiệp làm như vậy không khác nào chơi khó CLB, nhất là những CLB chưa có hệ thống đào tạo trẻ theo đúng chuẩn. Không kể, tung vào sân 2 cầu thủ dưới 21 tuổi cũng làm suy giảm chất lượng các trận đấu nói riêng, giải đấu nói chung. Như thế khác nào "đuổi khéo" khán giả?
Nghe vậy tưởng có lý nhưng ngẫm kỹ mới càng thấy chuyện chăm lo hệ thống đào tạo trẻ ở nhiều CLB yếu kém thế nào. Trong khi đó, những CLB đã làm tốt khâu đào tạo trẻ từ nhiều năm nay như Sông Lam Nghệ An đâu có lên tiếng về chuyện này. Chuyện gây dựng hệ thống đào tạo trẻ của một CLB là điều đương nhiên. Một khi đã bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp là phải chấp nhận chứ không thể lập luận theo kiểu "tôi đến sau nên cả làng phải chờ, phải sống theo tôi".
Thế nên thay vì hoàn thiện ý tưởng kia, kiểu như nâng độ tuổi 5 cầu thủ trẻ phải được đăng ký thi đấu từ 21 lên 22 hoặc 23 và phải có ít nhất 1 hoặc 2 cầu thủ được vào sân… thì những người có trách nhiệm với dự thảo quy chế bóng đá chuyên nghiệp lại có vẻ chùn tay trước sự mạnh miệng của các CLB. Đại hội cổ đông của Công ty VPF vào ngày 14-12 tới mới là lúc quyết định phương án trên có thành hiện thực hay không hoặc sẽ thay đổi về chi tiết phương án như thế nào. Nhưng rõ ràng, chăm sóc một hệ thống đào tạo trẻ thực sự bài bản là trách nhiệm của các CLB để không chỉ đáp ứng nhiệm vụ của CLB mà đáp ứng cả nhiệm vụ quốc gia. Nếu có ví dụ nào sinh động nhất về sử dụng cầu thủ trẻ thì cứ nhìn sang Bundesliga, nơi các cầu thủ U23 luôn có chỗ đứng vững chắc tại CLB nhờ được đào tạo tốt và trọng dụng. Hệ quả là đội tuyển Đức giờ đây không thiếu tài năng và lấy lại được vị thế đã mất.
Chứ không thể cãi cùn rằng "cầu thủ trẻ của tôi chưa tốt nên chưa thể đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức" như mấy vị có trách nhiệm ở các CLB.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.