(HNM) - Chỉ còn đúng tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, nên việc kinh doanh buôn bán giết mổ gia cầm (GC) sống càng gia tăng.
Gia cầm sống bày bán khắp các chợ
Hiện nay nhu cầu sử dụng thực phẩm hằng ngày trong đó đặc biệt là thịt GC của thị trường Hà Nội là rất lớn. Theo thống kê, mỗi ngày thị trường Hà Nội tiêu thụ khoảng 50.000 - 80.000kg gà thịt. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng 15-20% so với ngày thường. Vào dịp gần Tết việc vận chuyển GC "lộ thiên" bằng những chiếc xe chuyên dụng và GC sống hoặc đã giết mổ ngang nhiên bày bán trong các chợ nội thành, nội thị vẫn diễn ra thản nhiên, mặc cho UBND TP đã có quyết định cấm từ nhiều năm nay. Việc lơ là quản lý này đã dẫn đến một số hộ kinh doanh lợi dụng trà trộn hàng kém chất lượng vào để tiêu thụ. Vào ngày rằm tháng chạp, đến các điểm kinh doanh buôn bán GC sống ở các chợ Vồ, chợ Văn Quán (Hà Đông); chợ Phùng Khoang (Từ Liêm)… mới thấy không khí ở đây rất nhộn nhịp. Ngày thường ở những chợ này chỉ có 5-6 điểm bán gà sống thì nay đã tăng lên 10-12 điểm, những ngày áp Tết có thể tăng hơn. Theo các thương lái mặc dù năm nay sức mua ngày rằm có giảm hơn so với mọi năm, nhưng đến ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công, ông Táo) và đặc biệt càng sát ngày 30 Tết (ngày 29 tháng Chạp năm Tân Mão) nhu cầu sẽ tăng mạnh bởi nhà nào cũng có nhu cầu mua để làm mâm cơm tất niên và thắp hương đêm giao thừa. Hầu hết các hộ kinh doanh đều bao luôn việc giết mổ GC cho khách.
Theo chân các thương lái kinh doanh mặt hàng GC sống chúng tôi tới chợ GC Hà Vỹ (xã Lê Lợi - Thường Tín), tuy đã hoạt động trong diện tích chợ mới, nhưng không khí ở đây cũng chưa mấy dễ chịu so với chợ cũ, vì số lượng điểm bán GC của các chủ hàng nhiều hơn so với quy mô của chợ. Anh Nguyễn Lê Ngà, phụ trách Chốt kiểm dịch chợ Hà Vỹ cho biết, bắt đầu vào tháng Chạp số lượng GC sống được đưa về chợ tăng khoảng 50%. Nếu như ngày thường khoảng 20.000 con/ngày thì ngày Tết tăng lên 40.000-50.000 con/ngày. Nhưng người kinh doanh chưa có ý thức về phòng, chống dịch bệnh, có trường hợp mang 100 con gà đến chợ bán khi cán bộ thú y hỏi giấy kiểm dịch thì họ chỉ nói "thấy ở đây có chợ thì mang tới bán chứ có biết giấy kiểm dịch là gì đâu!" Do đó theo anh Ngà nếu lực lượng chức năng không kiểm soát kỹ, GC sống không có nguồn gốc xuất xứ vẫn có thể tuồn vào chợ bán.
Tăng cường công tác kiểm tra
Ông Cấn Xuân Bình cho rằng, theo truyền thống, tập quán người dân ngày Tết phần lớn phải có gà thịt nguyên con để cúng giao thừa. Do đó các chủ kinh doanh sẽ tăng cường thu gom gà lông (nhất là gà ta) để phục vụ nhu cầu này. Đây là loại gà chủ yếu được nuôi nhỏ lẻ trong dân và buôn bán cũng nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát. Ngày Tết thường xuất hiện một lượng lớn người tham gia giết mổ GC thời vụ. Đây là khó khăn của các cơ quan chuyên môn để có thể nắm bắt và kiểm soát hoạt động giết mổ GC. Trong khi đó các chợ cóc, chợ tạm tại các quận nội thành do UBND phường quản lý, cơ quan thú y chỉ kiểm tra giám sát việc buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Do đó nếu chính quyền cơ sở không vào cuộc quyết liệt, phối hợp với liên ngành để kiểm tra xử lý thì không thể giải quyết một cách triệt để.
Bên cạnh đó, chăn nuôi Hà Nội mới đáp ứng 60-70% nhu cầu nên một lượng lớn sản phẩm phải nhập từ các tỉnh, TP khác về. Riêng sản phẩm GC, năm qua chi cục thú y đã kiểm dịch trên 8 triệu con nhập vào Hà Nội. Gần Tết, nhu cầu thực phẩm tăng vọt khiến gà lậu từ biên giới cũng luồn sâu vào tiêu thụ ở thị trường. Hiện Hà Nội có hơn 300 chợ có liên quan đến kinh doanh thịt GC. Nhưng việc vận chuyển, kinh doanh thịt GC sống tại nhiều điểm kinh doanh lẻ trong khu dân cư hiện còn phức tạp và khó kiểm soát. Để hạn chế tình trạng này, chi cục giao nhiệm vụ cho các trạm thú y các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn hàng nhập về để kịp thời phát hiện các trường hợp buôn bán vận chuyển GC không rõ nguồn gốc. 11 chốt kiểm dịch liên ngành trực 24/24 giờ để giám sát trên các tuyến chính vận chuyển vào Hà Nội để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như với các lô hàng không có giấy tờ hợp lệ, không có nguồn gốc xuất xứ, gà nhập lậu từ các nơi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.