(HNM) - Tai nạn giao thông (TNGT) ở ngoại thành đang ngày có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát mỏng, cộng với đó là ý thức của người điều khiển phương tiện kém...
Thực trạng đáng báo động
10 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn toàn thành phố xảy ra 1.629 vụ TNGT, làm 495 người chết và hơn 1.400 người bị thương. Qua phân tích, số vụ TNGT xảy ra ở nội thành chỉ có 118 vụ, chiếm 25%, 75% số vụ còn lại tập trung ở ngoại thành. Phương tiện gây TNGT chủ yếu vẫn là mô tô, xe máy (chiếm 68,8%). Đứng đầu danh sách số vụ TNGT gia tăng phải kể đến huyện Gia Lâm với 98 vụ, tăng 11 vụ so với cùng kỳ; huyện Sóc Sơn cũng xảy ra 49 vụ, tăng 7 vụ. Tại những huyện như Hoài Đức, Mỹ Đức, Thường Tín… tình trạng gia tăng TNGT cũng đáng báo động.
CSGT xử lý người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm trên địa bàn huyện Từ Liêm. Ảnh: Tống Ngọc Thanh |
Sự gia tăng số vụ tai nạn thảm khốc này được minh chứng bằng hình ảnh hàng loạt ngôi mộ giả được xây mới nằm dải rác trên dọc các tuyến quốc lộ đi qua khu vực ngoại thành Hà Nội thời gian gần đây. Chỉ riêng địa bàn quốc lộ 6 đi qua huyện Chương Mỹ thời gian gần đây xuất hiện gần chục ngôi mộ kiểu này. Anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Đồi Chè, xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) cho biết: "Tai nạn ở đây hầu như ngày nào cũng xảy ra, chỉ có điều nặng hay nhẹ. Mới cách đây vài tuần, một sĩ quan quân đội nhà ở Xuân Mai trên đường từ đơn vị về, do không làm chủ tốc độ nên đã đâm vào đuôi xe ô tô tử vong. Gia đình người bị nạn xây một ngôi mộ giả ven đường để tưởng nhớ tai nạn thương tâm". Chỉ tay về phía ngôi mộ giả, anh Minh nói: "Ngôi mộ này cũng như bao mộ khác, bị bụi đường bám một lớp dày nhưng hương khói thắp rất đều. Ban đêm, ánh sáng đỏ từ những nén hương hắt ra từ ngôi mộ như một lời cảnh báo đối với cánh lái xe tuyến Tây Bắc".
Trên QL2 đoạn qua Cổ Loa, người dân vẫn truyền tai nhau khi đi qua khúc cua có ngôi mộ giả xây dựng cầu kỳ, nằm ngay ven đường mà dân quanh đó gọi là "đoạn dớp". Chẳng biết tai nạn xảy ra ở khu vực này từ bao giờ, thương tâm đến mức nào nhưng người dân địa phương vẫn truyền tai nhau tránh đi qua khu vực trên vào "chính ngọ" (12h trưa) và lúc "quáng gà" (17-18h). Thực tế, CSGT đã lý giải về nguyên nhân đoạn đường thường xảy ra tai nạn trên là do khúc cua gấp, đường đẹp và bị hạn chế tầm nhìn nên lái xe dễ chủ quan. Các đơn vị chức năng đã cắm biển giảm tốc độ ở khu vực trên nhưng người điều khiển phương tiện chẳng mấy quan tâm.
Theo quan sát của phóng viên, quốc lộ 1A đi qua thị trấn huyện Thường Tín vào buổi tối thường có rất đông thanh, thiếu niên tập trung điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, hò nhau chạy với tốc độ cao. Mặc dù tại đây đã có lực lượng CSGT cắm chốt kiểm tra, xử lý nhưng những thanh, thiếu niên nói trên vẫn phớt lờ nguy hiểm, thách thức pháp luật. Khi bị CSGT dừng xe kiểm tra, những đối tượng này thường tăng tốc bỏ chạy. Thậm chí, có trường hợp còn bất chấp nguy hiểm đến tính mạng khi phóng xe ngược chiều. Nhiều đối tượng trong số đó còn chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện nhưng vẫn chở 3, thậm chí 4 người trên một chiếc xe máy. Có trường hợp khi bị xử phạt đã gọi người thân can thiệp, bạn bè kéo đến tạo áp lực đối với CSGT. Tại các tuyến đường trong một số khu đô thị mới ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm, những vi phạm này còn đáng ngại hơn khi số thanh, thiếu niên tụ tập đi xe với tốc độ cao, có biểu hiện tụ tập đua xe, nhất là vào buổi tối...
Quyết liệt các giải pháp
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa và đấu tranh làm giảm TNGT trong 3 tháng cuối năm ở các huyện ngoại thành do Phòng CSGT, CATP Hà Nội vừa tổ chức, lý giải những nguyên nhân dẫn tới gia tăng TNGT ở các huyện ngoại thành, đại diện CA huyện Đông Anh đã thẳng thắn nhìn nhận, lực lượng xử lý mỏng, cộng ý thức kém của người tham gia giao thông là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng TNGT. CA Đông Anh đề xuất, ngoài việc tăng cường lực lượng của Phòng CSGT kết hợp với CSGT CA huyện, các tổ công tác này cần được trang bị thêm máy đo nồng độ cồn, tốc độ, cân trọng tải, có như vậy mới đủ sức răn đe, trấn áp cũng như xử lý nghiêm vi phạm, giảm ùn tắc và tai nạn
Theo Trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó Đội CSGT số 12, ý thức chấp hành của người dân khu vực ngoại thành vô cùng yếu kém, đặc biệt là tại khu vực huyện Chương Mỹ, nơi có nhiều chợ họp tùy tiện dưới lòng đường. Người dân ở đây, bất kể già trẻ, thường nại đủ lý do đi ra ruộng, đi ăn đám cưới, đám hiếu gần nhà nên không đội mũ bảo hiểm. Hễ thấy chốt CSGT, bất chấp quốc lộ có mật độ phương tiện đông, người vi phạm liền quay đầu xe bỏ chạy… Theo thống kê, riêng địa bàn huyện Chương Mỹ năm ngoái đã xảy ra 34 vụ TNGT, làm 36 người chết. Nói về các biện pháp xử lý triệt để các điểm đen giao thông tại khu vực chợ Gốt, chợ Cống, chợ Đông Phương Yên… Trung tá Vũ Văn Ngoại cho biết, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là tăng cường phối hợp với CA huyện tuyên truyền nhắc nhở nâng cao ý thức người dân, quan trọng nhất là người dân địa phương bỏ được tập quán họp chợ dưới lòng đường. Hiện tại, vào giờ cao điểm, Đội CSGT số 12 phối hợp với CA huyện lập chốt phân luồng giao thông tại khu vực họp chợ trên nên giao thông đã cơ bản đi vào nền nếp.
Đại lộ Thăng Long qua các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất rộng thênh thang với rất nhiều làn xe, nhưng theo Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội CSGT số 11 lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Nguyên nhân chính vẫn là ý thức của người tham gia giao thông quá kém. Theo thống kê, tới 85% TNGT trên địa bàn liên quan đến người điều khiển mô tô đi sai làn đường, uống rượu say, không đội mũ bảo hiểm, chở quá người quy định… Trước thực trạng Đại lộ Thăng Long có quá nhiều hầm chui dân sinh (chưa kể đường dành cho ô tô) , Trung tá Hà Văn Tuân kiến nghị nên mở rộng khúc cua để mở rộng tầm nhìn cho người điều khiển phương tiện khi rẽ vào đường tránh. Đồng thời, ở đường tránh hai bên Đại lộ chỉ sử dụng làm đường 1 chiều để tránh tình trạng xung đột giao thông từ các đường rẽ, hầm chui dân sinh…
Để khắc phục và kiềm chế tai nạn từ nay đến cuối năm, CA các huyện và các Đội CSGT khu vực ngoại thành vẫn kiên trì thực hiện các kế hoạch KH99 của CATP, thường xuyên tuyên truyền giáo dục tại các trường học, tổ chức cho các CA xã tới từng gia đình ký cam kết thực hiện ATGT.
Trung tá Phạm Văn Hậu - Phó Trưởng phòng CSGT Đường bộ - đường sắt nhìn nhận: Còn nhiều hạn chế trong việc xử lý vi phạm ở các vùng ngoại thành, đặc biệt một số hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT như vi phạm nồng độ cồn, đi sai phần đường, tránh vượt sai quy định. Trước thực trạng này, từ nay đến cuối năm, Phòng CSGT sẽ phối hợp với công an các quận, huyện tập trung xử lý tất cả các lỗi vi phạm kể trên. Thời gian thực hiện sẽ từ 18h đến 24h hằng ngày trên một loạt các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Thường Tín, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Đông Anh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.