Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao thông Hà Nội - Chuyển động mới...

Tuấn Khải| 04/02/2022 12:29

(HNM) - Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngay từ khi tiếp nhận bàn giao và đưa vào khai thác đã nhanh chóng trở thành điểm nhấn trong “bức tranh” vận tải hành khách công cộng của Thủ đô. Cùng với duy trì sự hoạt động ổn định, an toàn của tuyến đường sắt này, thành phố cũng đang nỗ lực để sớm triển khai và hoàn thành các dự án khác, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Nhìn từ tuyến đường sắt đô thị đầu tiên

Ngày 6-11-2021 đã trở thành thời khắc lịch sử đối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Thủ đô khi dự án Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước, chính thức vận hành khai thác thương mại. Những gương mặt rạng rỡ của hàng chục nghìn lượt hành khách trong những ngày đầu trải nghiệm loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn này chính là biểu đạt sinh động nhất cho những mong đợi và niềm tin của người dân vào quá trình vươn tới một đô thị văn minh, hiện đại.

9h ngày 6-11-2021, đoàn tàu mở cửa đón khách lên trải nghiệm nhưng từ 7h, phía trước Nhà ga Cát Linh đã có khá đông người dân ngồi đợi. Nhiều người tranh thủ mang cả nước uống, bánh mỳ, dẫn theo con cái đến. Chị Nguyễn Hải Liên (ngõ 107 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) phấn khởi cho biết: “Mong ngóng cả tháng nay rồi, nay tàu chính thức chạy, mấy mẹ con đến từ sớm. Ngày đầu tiên chạy tàu, cả nhà không muốn bị bỏ lỡ. Chỉ hơn 23 phút cho cả một hành trình từ Cát Linh vào đến Yên Nghĩa. Nhanh, êm và thích nhất là không phải lo tắc đường. Nhìn thành phố chuyển động vùn vụt qua những ô cửa sổ toa tàu thật là thú vị”.

Thích thú, nhưng không phải không có những bỡ ngỡ cho lần đầu. Đó là một cặp vợ chồng lớn tuổi từ huyện Gia Lâm đi xe máy sang gửi dưới bãi để lên tàu, không quên ôm theo mũ bảo hiểm vào trong khoang hành khách; là những người bị nhầm lối lên xuống nhà ga rồi lo sợ bị nhỡ tàu; rồi có cả một số hành khách bị đi quá ga cần xuống dù hệ thống loa truyền thanh thông báo rất rõ ràng... Tất nhiên, những điều này đều đã được nhân viên của đường sắt hỗ trợ kịp thời.

Để chuẩn bị cho buổi đầu tiên mọi sự được “xuôi chèo mát mái”, hơn 700 cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) đã tất bật từ nhiều tháng, tính toán từng kịch bản. Trong những đêm cuối cùng trước khi tàu chính thức lăn bánh, các chuyên gia nước ngoài và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên Hanoi Metro nhiều đêm thức trắng dưới khu depot và từng nhà ga rà soát từng chi tiết nhỏ của quá trình vận hành. Không lo lắng sao được khi đó là chuyến tàu lịch sử, gánh theo nó một thông điệp rất lớn mang tên “chuyển động mới cho giao thông Hà Nội”.

“Chỉ sau 1 tháng đầu tiên chính thức đưa vào khai thác, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã thu hút hàng chục nghìn lượt hành khách đi tàu. Mừng nhất là hệ thống đã hoạt động theo đúng kịch bản khả quan nhất trong các kịch bản mà chúng tôi xây dựng. Các vấn đề phát sinh trong khai thác, vận hành đều được xử lý ngay theo quy trình. Sự chia sẻ, ủng hộ của người dân chính là động lực để Hanoi Metro phấn đấu phục vụ ngày một tốt hơn”, Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường kể. 

Để không là “ngôi sao cô đơn”

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đầu tiên đưa vào khai thác, vận hành. Và đương nhiên, nó đang phải gánh “sứ mệnh” rất lớn: Xác lập và định vị một loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, văn minh, hiện đại; giải quyết “bài toán” ùn tắc giao thông; dần thay đổi thói quen đi lại của người dân Thủ đô, góp phần tạo dựng văn hóa giao thông…

Bên cạnh những kỳ vọng, không ít người cũng bày tỏ lo lắng về tính hiệu quả khi đến nay, sau nhiều năm triển khai, Hà Nội vẫn mới chỉ có một đoạn tuyến từ Cát Linh đến Hà Đông dài vẻn vẹn 12,5km được hoàn thành.

Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường thẳng thắn nhìn nhận: “Trước khi tiếp nhận, khai thác tuyến, tôi từng ví tuyến đường sắt đô thị này như một “ngôi sao cô đơn” bởi chưa có các tuyến đường sắt khác để kết nối. Vừa qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều sự quan tâm như điều chỉnh mạng lưới tuyến buýt làm nhiệm vụ gom khách cho Cát Linh - Hà Đông; đầu tư hạ tầng, bố trí các điểm trông giữ phương tiện để kết nối xe đạp, xe máy với đường sắt đô thị vì khách hàng - mục tiêu của đường sắt đô thị là những người đi bộ tiếp cận nhà ga trong bán kính trên dưới 1km… Mong muốn của chúng tôi là thành phố sớm triển khai và hoàn thành các dự án đường sắt đô thị khác trong quy hoạch để tạo thành mạng lưới có độ phủ rộng khắp, thực sự tiện ích cho người tham gia giao thông”.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Mong mỏi của người dân cũng là quyết tâm của các cấp lãnh đạo cũng như các cơ quan đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội.

Theo Quy hoạch Giao thông - Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội cần phải có 10 đoạn tuyến đường sắt đô thị để tạo nên xương sống cho hệ thống vận tải công cộng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định, tỷ trọng vận tải hành khách công cộng của Hà Nội hiện còn rất thấp, mới đạt khoảng 17%. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã xác định phải nâng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng lên 30-35% trong giai đoạn trước mắt. Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội cần thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị nữa.

Trong các dự án theo quy hoạch, ngoài tuyến Cát Linh - Hà Đông nói trên, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cùng các nhà thầu đang khắc phục khó khăn, tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Đây là đoạn đầu của tuyến đường sắt số 3 theo quy hoạch (Nhổn - Hoàng Mai) với tổng chiều dài 21km. Đến nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74%, trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 89,5% và tiến độ đoạn đi ngầm đạt 33%. Các địa phương nơi dự án đi qua, đặc biệt là với 4km đi ngầm qua địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, cũng đang dốc sức cho công tác giải phóng mặt bằng nhằm góp phần sớm đưa dự án “về đích”. Theo kế hoạch, đến năm 2022, dự án sẽ hoàn thành đưa vào vận hành phần đi nổi dài 8,5km; đến năm 2025 hoàn thành phần đi ngầm 4km và đưa vào vận hành toàn tuyến.

Cùng với đó, các dự án khác cũng đang được các cơ quan liên quan nỗ lực đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư. Cụ thể là nghiên cứu kéo dài tuyến Cát Linh - Hà Đông lên Xuân Mai; nối tiếp đoạn Nhổn - Ga Hà Nội về phía Yên Sở. Sắp tới, tuyến số 5 Hồ Tây - Hòa Lạc sẽ được thành phố tập trung nguồn lực triển khai theo hình thức đầu tư công, không phân kỳ, gần 30km toàn tuyến sẽ được thực hiện cơ bản trong một giai đoạn.

Phải mất rất nhiều năm để Hà Nội có được đoạn tuyến đường sắt đô thị đầu tiên và trong năm 2022 có thêm một đoạn tuyến khác. Những hạn chế từ quá trình triển khai hai dự án Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đem đến cho thành phố những kinh nghiệm rất quý báu trong công tác quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, thương thảo hợp đồng với các đối tác, nhà tài trợ nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực…

“Trên cơ sở đó cũng như những kinh nghiệm rất quý báu từ việc đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị khác, thành phố sẽ kiểm soát cả công nghệ, quá trình đầu tư chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với tuyến đường sắt đô thị số 5 cũng như các dự án sau này”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao thông Hà Nội - Chuyển động mới...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.